1.000 điểm trở thành vùng cản, nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường

Bất chấp diễn biến hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục lao dốc trong phiên ngày 24/10. Kết phiên, VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%), đóng cửa tại 986,15 điểm - đánh mất mốc 1.000 điểm sau 2 năm. Thanh khoản cũng giảm với chỉ 547,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Thống kê trên HOSE phiên ngày 24/10 cho thấy có 430 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 45 mã tăng, trong đó có 153 mã giảm sàn. Rổ VN30 ghi nhận 27 mã trong sắc đỏ, chỉ số đại diện rổ giảm 3,63%. GAS, VPB và TPB là 3 mã trong rổ đóng cửa giữ được mức giá sát tham chiếu. Tương tự, chỉ số VNMidcap giảm 3,72% còn chỉ số VNSmallcap giảm 3,82%.

10/30 mã trong rổ VN30 giảm kịch sàn đã tác động mạnh đến điểm số thị trường Cụ thể đó là các mã GVR, MWG, PLX, TCB, VHM, BID, KDH, STB, SSI, VRE. Trạng thái giảm sàn không còn dư mua ghi nhận nhiều nhất ở các nhóm ngành Chứng khoán, Thép-Tôn mạ, Khu công nghiệp, Bất động sản & VLXD.

Giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, không đột biến trong phiên giảm điểm. Thanh khoản sụt giảm và lực cầu gần như không xuất hiện đã khiến cho thị trường trở nên ảm đạm và bi quan hơn.

Với đà giảm mạnh của thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều chìm sâu trong sắc đỏ và số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trên toàn thị trường. Những nhóm giảm mạnh có thể kể đến như nhóm dầu khí, nhóm chứng khoán, nhóm bất động sản...

Khối ngoại quay lại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị khá khiêm tốn 71,5 tỷ đồng.  

"Thị trường chưa thể hồi phục và tiếp tục giảm sâu. Vùng hỗ trợ 1.000 điểm của VN-Index đã bị đánh mất. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy dòng tiền vẫn còn dè dặt và giảm hoạt động bắt giá thấp. Tuy nhiên, có động thái tranh chấp mạnh vào giai đoạn cuối phiên và thanh khoản giao dịch cũng dồn vào giai đoạn này nhiều hơn, cho thấy có nỗ lực kiềm hãm đà giảm của thị trường. Với động thái “rút chân” nhẹ này, có thể thị trường sẽ hồi phục nhẹ để kiểm tra lại nguồn cung tại vùng 1.000 điểm của VN-Index. Tuy nhiên, cần lưu ý xu thế chung của thị trường vẫn tiêu cực và vùng 1.000 điểm này đang trở thành vùng cản của thị trường. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian tới để đánh giá trạng thái của thị trường. Tạm thời vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn do rủi ro của thị trường còn tiềm ẩn", CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Về kỹ thuật, CTCK Vietcombank (VCSC) cho biết, VN Index đang nằm trong sóng đẩy 3 sau khi kết thúc nhịp sóng hiệu chỉnh phẳng vào cuối tháng 8. Xét trên thang đo Fibonacci mở rộng tính từ đỉnh đầu tháng 4, VN-Index đã tiến sát vùng điểm 985 tương ứng với ngưỡng 0.786, nếu tình hình không được cải thiện, VN Index sẽ hướng về ngưỡng 1 tương đương với khu vực 900 điểm. Bên cạnh đó, toàn bộ các chỉ báo đều đang cho tín hiệu tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy thứ 2 trong ngắn hạn.

"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường, kiên nhẫn chờ đợi VN Index tìm điểm cân bằng để có thể giải ngân cho nhịp sóng 4 phục hồi", VCSC thận trọng.

Trong khi đó, CTCK SSI đánh giá, với việc đường giá vừa cắt xuống dưới vùng hỗ trợ quan trọng 1.000 điểm kết hợp với trạng thái “rút chân” từ cuối phiên 24/10, chỉ số VN-Index có thể hình thành trạng thái “pull-back” và kiểm lại mốc quan sát 1.000 điểm trước khi quay lại với xu thế giảm điểm. Vùng hỗ trợ gần trên chỉ số VN-Index là vùng 968 – 950 điểm.

CTCK MBS thì cho rằng, thị trường trong nước hiện đang ngược dòng chứng khoán thế giới nên khó có thể nói tác động từ bên ngoài khiến thị trường giảm sâu như vậy. Ở trong nước, mùa báo kết quả kinh doanh quý III/2022 cũng không tệ. Tuy vậy, thị trường rất có thể đang chiết khấu cho rủi ro chưa được làm rõ ở phía trước. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, ưu tiên bảo toàn vốn. 

Lượt xem: 37
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật