‘Sóng’ phát hành cổ phiếu ESOP

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đua nhau lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) nhằm tăng vốn điều lệ, đồng thời khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên...

Mới nhất, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) vừa thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP.

“Cơn mưa” thưởng cổ phiếu ESOP

Theo đó, Nhà Khang Điền dự kiến phát hành 10,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 17.000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với giá thị trường là 37.300 đồng/cp (trong phiên giao dịch ngày 22/8). Tỷ lệ phát hành tương đương 1,19% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

-5377-1724404949.jpg

Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP. Theo đó, Gelex sẽ phát hành 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp; thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 15/8/2024 đến hết ngày 29/8/2024.

Đáng chú ý, số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Lộ trình giải tỏa được chia làm 2 đợt: 50% số cổ phiếu được giải tỏa sau 30 tháng và 50% số cổ phiếu còn lại được giải toả sau 36 tháng.

Trước đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng thông qua kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,81% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn một nửa so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.

Hay như Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) dự kiến sẽ phát hành thêm 1.454.463 cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,7% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, nguồn vốn thực hiện là các quỹ khen thưởng Ban điều hành, quỹ khen thưởng – phúc lợi của Công ty. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày 30/8/2024 đến ngày 30/6/2027. 

Vừa qua, một loạt nhà băng cũng đã thông báo việc sẽ phát hành cổ phiếu ESOP, tuỳ từng ngân hàng sẽ có mức giá ưu đãi, số lượng cổ phiếu ESOP và điều kiện mua khác nhau.

Đơn cử như Nam A Bank (NAB) dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành và sẽ được giải tỏa 50% trong năm thứ hai.

Hay như Techcombank (TCB) trình cổ đông thông qua việc chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,2815% vốn điều lệ. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp và cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm…

"Một mũi tên trúng nhiều đích"

ESOP được hiểu nôm na là việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho nhân viên xuất sắc, người lao động theo các tiêu chí được chọn với giá ưu đãi - thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường. Nguồn phát hành cổ phiếu ESOP thường lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thực tế những năm gần đây, ESOP là một trong những hình thức khen thưởng phổ biến.

Khi phát hành cổ phiếu ESOP thành công, điều đầu tiên là doanh nghiệp có thể gia tăng vốn điều lệ. Đây là nguồn lực cần thiết giúp doanh nghiệp đối phó với những thách thức trong môi trường kinh tế biến động.

Riêng với các ngân hàng thì việc phát hành cổ phiếu ESOP còn giúp các nhà băng đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an toàn vốn như hệ số CAR, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... để mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, khi người lao động có cổ phần tại doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông. Đây là chính sách động viên người lao động rất tốt, họ sẽ có trách nhiệm, mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự tận tâm, tận tuỵ, trung thành. Bên cạnh đó, còn khuyến khích cán bộ nhân viên, thu hút nhân tài và giữ chân những cán bộ nhân viên có năng lực phục vụ lâu dài cho doanh nghiệp.

Chính sách này vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên nhưng doanh nghiệp cũng không phải tốn nhiều chi phí. Bởi theo chuẩn mực kế toán đang áp dụng tại Việt Nam, khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu ESOP và thị giá không bị phản ánh vào chi phí lương, thưởng.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trong bối cảnh hiện tại, “game tăng vốn” chưa bao giờ là dễ dàng, và ESOP cũng như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải cân nhắc dựa trên bối cảnh thị trường, chiến lược kinh doanh trong từng thời điểm. Doanh nghiệp nào có khả năng quản trị tốt, chiến lược rõ ràng, tạo niềm tin cho người lao động thì bản thân mỗi nhân viên mới có động lực để mua cổ phiếu ESOP. Ngoài ra cũng phải duy trì việc chăm sóc quyền lợi của cổ đông hiện hữu.

Có thể nói, mặc dù ESOP là một trong những phương án tăng vốn tối ưu, đạt được nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng điều này cũng khiến một số cổ đông không bằng lòng về vấn đề pha loãng cổ phần.

Với loạt kế hoạch phát hành mới của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2024-2025, ước tính có đến hàng chục tỷ cổ phiếu dự kiến đổ bộ lên sàn chứng khoán. Lượng cổ phiếu phát hành thêm lớn như vậy khiến nhiều cổ đông/nhà đầu tư lo ngại về mức độ rủi ro pha loãng, cũng như khả năng hấp thụ của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Hải Giang

Lượt xem: 5
Tác giả: Hải Giang
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật