Xuân về trên cao nguyên Lâm Viên

Trở lại cao nguyên Lâm Viên vào những ngày cuối năm. Cái thời khắc giao mùa, dường như vạn vật nơi đây được hòa quyện vào nhau. Từ cao nguyên Lang Biang nhìn xuống, cả Lâm Đồng như bức tranh khổng lồ, ngàn hoa đang đua nở, với đủ màu sắc.

Cao nguyên Lâm Viên từ lâu được mệnh danh là xứ sở ngàn hoa. Không chỉ đẹp về phong cảnh, mà còn được người dân và chính quyền tỉnh Lâm Đồng chung tay xây dựng thành thủ phủ của các loài hoa và rau củ quả, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng thành công các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Với sự đầu tư đúng hướng, sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã đánh dấu trên bản đồ sản xuất nông nghiệp thế giới

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, nhờ ứng dụng thành công các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, những năm qua Lâm Đồng gặt hái được nhiều thành quả trong sản xuất nông nghiệp. Cái được lớn nhất là nông dân ở đây thay đổi được tư duy sản xuất. Mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ vào hoạt động trồng trọt… Chính điều ấy đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trên cao nguyên Lâm Viên theo hướng tích cực.

Năm 2018, kinh tế Lâm Đồng tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng 8,59%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách trên 7.100 tỷ đồng, bằng 111% so với dự toán Trung ương. Kim ngạch xuất khẩu trên 661 triệu USD, tăng 19,8%.

Trong đó, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp là gam màu chủ đạo trong bức tranh phát triển kinh tế của Lâm Đồng. Kinh tế nông nghiệp đang đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết việc làm cho người dân xứ sở ngàn hoa.

Trên nền tảng phát triển chung ấy, nhiều mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã ra đời. Một trong những điển hình thành công là Dalat Hasfarm. Mỗi năm  Dalat Hasfarm trồng trên 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống, cung ứng cho thị trường trên khắp thế giới.

Theo anh Trần Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, hiện Dalat Hasfarm đang liên kết với 178 hộ, với diện tích hơn 32ha, chủ yếu trồng hoa cúc và cẩm chướng. Tham gia liên kết với Dalat Hasfarm, nông hộ trồng hoa nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo trên 90% sản phẩm đạt chất lượng.

Với mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, không riêng Dalat Harfarm thành công, hàng trăm nông hộ sau những năm làm việc tại Dalat Harfarm cũng đã học hỏi được kỹ thuật canh tác và làm chủ được công nghệ, tự mở trang trại trồng hoa công nghệ cao. Nhờ đó, chỉ riêng tại Đà Lạt có trên 2.000ha canh tác hoa công nghệ cao, trở thành thủ phủ hoa của Việt Nam.

Trên cao nguyên Lâm Viên không riêng nổi tiếng về các loài hoa, các mô hình sản xuất nông nghiệp khác như trồng rau, củ, quả chất lượng cao cũng được áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng nông sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từng có nhiều năm sống tại Canada nên sau khi về nước, ông Bùi Ngọc Minh, chủ vườn dâu tây Minh Hải, xã Tà Nung (Đà Lạt) quyết định lập trang trại trồng dâu tây ở vùng đất Tà Nung.

Sau khi khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ông Minh lập vườn dâu tây Minh Hải có diện tích khoảng 1ha, nằm giữa vùng đất trồng cà phê của xã Tà Nung.

Với những kiến thực học hỏi được từ nước ngoài, cùng với việc thuê chuyên gia Ý để tư vấn, ông Minh xây dựng vườn dâu tây áp dụng toàn bộ kỹ thuật từ nước ngoài. Vườn sử dụng công nghệ cao, không dùng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng các con thiên địch, thụ phấn tự nhiên giúp cho quả dâu sạch. Tất cả quy trình sản xuất đều tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn châu Âu.

Toàn bộ khu vườn sử dụng ong nuôi để thụ phấn tự nhiên cho dâu tây, dù không phải chính vụ nhưng vườn dâu vẫn cho trái dày đặc. Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm nhà vườn đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm dây tây sạch được thị trường ưu chuộng.  

Định hướng về phát triển ngành nông nghiệp, ông Ðoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, Lâm Đồng tiếp tục tập trung vào đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản để tạo ra các sản phẩm hàng hóa các giá trị gia tăng cao...

Một mùa xuân nữa đang về. Một năm mới đang mở ra với sự kỳ vọng, sự trăn trở của chính quyền và nông dân làm sao đưa nông sản Lâm Đồng bay cao hơn, vươn xa hơn trên thương trường quốc tế. Cho cao nguyên Lâm Viên càng thêm xanh thẳm…

Trong 7 năm gần đây, ngành nông nghiệp Lâm Đồng huy động hơn 22.500 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ nguồn vốn huy động của nhân dân khoảng 64,5%, vốn DN hơn 26,6%, vốn tín dụng gần 7,4% và vốn ngân sách nhà nước 1,5%. Trên 95% khâu làm đất được cơ giới hóa. Lâm Đồng có 20 sản phẩm đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các thương hiệu mạnh như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc…
Lượt xem: 1.784
Tác giả: Công Thái
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan