Khẩn trương khắc phục hậu quả và ứng phó mưa lũ tại miền Trung
Sáng 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và Bộ, ngành liên quan chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó với đợt mưa lũ tiếp theo.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Do ảnh hưởng của mưa, lũ giông lốc trái mùa trên diện rộng từ miền biển, lẫn đồng bằng và miền núi (hiện đang là thời gian đầu mùa khô tại miền Trung, mùa mưa lũ trọng tâm trong khu vực từ tháng 9-11 hàng năm) nên trong các ngày 31/3 đến sáng 1/4, tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có mưa rất to từ 200-300mm, (Huế 473).
Trên các vùng biển: Vịnh Bắc Bộ, Bắc Biển Đông, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, gây nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động trên biển. Mưa lớn kèm theo dông lốc diện rộng trên đất liền và ven biển, sóng lớn ngoài khơi các tỉnh Thừa Thiên Huế - Phú Yên; Gió thực đo mạnh nhất cấp 8 tại Nhân Lý (Bình Định).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và Bộ, ngành |
Mặc dù ngay sau khi nhận được tin dự báo, cảnh báo, trong các ngày 28/3, 30/3, 31/3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có liên tiếp 3 văn bản chỉ đạo các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lốc, sét, gió mạnh trên biển; Tổ chức nhắn tin qua hệ thống Zalo của Ban Chỉ đạo đến các thuê bao khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, rà soát các hộ dân khu vực nguy hiểm; Bảo vệ diện tích sản xuất và sẵn sàng tiêu nước, chống úng, gia cố lồng bè nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, dông lốc, mưa lớn, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, tài sản, đặc biệt tại Phú Yên, cụ thể: 2 người mất tích (do lốc xoáy trên biển); 2 nhà bị sập đổ, 37 nhà bị tốc mái; 176 tàu nhỏ, ghe bị chìm (Phú Yên: 92 tàu); 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại (Phú Yên).
Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp |
Ngay sáng 1/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành đã họp khẩn cấp trực tuyến với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và các Bộ ngành để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ tiếp theo.
Dự báo trong thời gian tới dông lốc, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... tiếp tục xẩy ra, do vậy các địa phương cần tập trung triển khai hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về thủy sản, sản xuất nông nghiệp; Khẩn trương tiêu nước đệm, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy (lúa đã trắc hạt sắp đến thời kỳ thu hoạch).
Toàn cảnh cuộc họp |
Đồng thời, các địa phương cần nhanh chóng gia cố, bảo vệ diện tích, lồng bè nuôi thủy sản ven biển; Tổ chức thường trực tại các hồ chứa; Chủ động tích nước (không xả) để hỗ trợ thu hoạch lúa dưới hạ du; Tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh để chủ động kế hoạch sản xuất...
Sau cuộc họp, ngay chiều 1/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ thành lập đoàn công tác vào 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên để cùng các địa phương lên phương án khắc phục và ứng phó với mưa lớn.