Hà Nội làm việc với các tỉnh về triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sáng 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực các Tỉnh ủy: Hưng Yên, Bắc Ninh để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các Sở, ban ngành liên quan...

Hà Nội làm việc với các tỉnh về triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Quang cảnh hội nghị

5 khó khăn ảnh hưởng tới tiến độ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh về nội dung, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô 112,8km, dự kiến tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần; Thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, bên cạnh việc được áp dụng một số cơ chế chính sách đặc biệt theo Nghị quyết của Quốc hội, việc triển khai dự án cũng sẽ gặp phải những khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.

5 vấn đề khó khăn được Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu cụ thể, đó là: Các dự án thành phần triển khai theo các quy trình khác nhau quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định, thông tư hướng dẫn tương ứn. Dự án đi qua địa phận 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh bao gồm nhiều công trình với loại và cấp khác nhau (đường cao tốc, đường song hành, đường đô thị) dẫn tới trình tự, thủ tục thẩm quyền thẩm định phê duyệt khác nhau.

Thêm đó là khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, việc triển khai các thủ tục để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trải qua nhiều bước; Các thủ tục đầu tư xây dựng cần triển khai chặt chẽ, phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước nhưng đồng thời cần phải nhanh, đồng bộ giữa các địa phương và các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, nguồn cung vật liệu xây dựng, vị trí bãi đổ chất thải rắn cũng là các vấn đề rất lớn…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để chủ động triển khai thực hiện dự án, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn để triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng ban, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…

Với vai trò cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng dự thảo “Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô” và “Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô”, các dự thảo này cũng đã được gửi lấy ý kiến 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.

Hà Nội làm việc với các tỉnh về triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Đồng bộ trong thực hiện và chủ động phối hợp

Theo Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, TP Hà Nội và các địa phương cần thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai dự án; Tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị hội nghị thảo luận nhiều nội dung, trong đó có công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai thuộc phạm vi Dự án.

Cụ thể, công tác quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 cần thực hiện những nội dung gì, hiện nay tiến độ đến đâu, có phải điều chỉnh các quy hoạch có liên quan khác hay không và việc khớp nối quy hoạch giữa thành phố và các tỉnh đối với Dự án Vành đai 4.

Ngoài ra là định hướng quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và tạo được nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Việc quản lý chặt chẽ quy hoạch; Công khai, minh bạch quy hoạch; Công tác tuyên truyền đối với người dân trong vùng để nghiêm cấm việc lấn chiếm, đầu cơ đất, chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp thức hóa đất đai trong phạm vi sử dụng đất của Dự án.

Đối với công tác lập hồ sơ địa chính và giải phóng mặt bằng, việc phân giới cắm mốc, lập hồ sơ địa chính, đo đạc, kiểm đếm đối với các hộ gia đình.

Thêm nữa là vấn đề khả năng cân đối nguồn vốn, khó khăn vướng mắc trong việc cân đối nguồn vốn thực hiện Dự án của các địa phương.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng nêu về công tác phối hợp giữa thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh, khớp nối thời điểm khởi công dự án ra sao để dự án có thể thực hiện đồng bộ, thông suốt; Nên xây dựng Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội giữa 3 tỉnh, thành phố để tránh xảy ra tình trạng, địa phương này xong trước, địa phương khác chưa xong, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn Dự án.

Ngoài, TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có cần xây dựng bổ sung chính sách gì thuộc thẩm quyền của Hà Nội và 2 tỉnh hay không để công bố công khai rộng rãi, tập trung tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của người dân.

Trên có sở dự thảo “Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô” và dự thảo “Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô”, các địa phương thảo luận, có ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Lượt xem: 42
Tác giả: Tú Linh; Ảnh: Viết Thành
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật