Giúp nông dân làm giàu, bắt nhịp với nông nghiệp 4.0

Không chỉ chia sẻ kiến thức về nông nghiệp trong thời đại 4.0 như truy xuất nguồn gốc, hướng đi mới… các bạn trẻ trong Đội hình “Tình nguyện trí thức trẻ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật” trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn hỗ nông dân xã Tân Bình (Như Xuân, Thanh Hóa) biết cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, các bạn trẻ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống trong mô hình nuôi chim cút lấy trứng phát triển kinh tế.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội, Đoàn Thanh niên trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành lập Đội hình “Tình nguyện trí thức trẻ”. Theo anh Vũ Trí Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, tiêu chuẩn để tham gia đội hình là những người trẻ nhiệt huyết, kỷ luật tốt. Đặc biệt, các bạn trẻ có hiểu biết về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất nông - lâm nghiệp. 35 tình nguyện viên đã được tuyển chọn tham gia đội hình, tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại xã Tân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

Giúp nông dân làm giàu, bắt nhịp với nông nghiệp 4.0
Thành viên Đội hình Tình nguyện trí thức trẻ tập huấn kiến thức chuyển giao kỹ thuật

Ngay khi có mặt tại xã Tân Bình, các bạn trẻ đã tổ chức hội nghị “Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật” với các hoạt động cụ thể: Chia sẻ kiến thức về hoạt động nông nghiệp trong thời đại 4.0 (sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp, hiểu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng các hoạt động truy xuất nguồn gốc,…), các hướng đi mới cho người nông dân, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

“Dưới sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ kĩ thuật người dân cần phải biết thêm nhiều thông tin và kĩ năng sử dụng internet để phục vụ các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Những kiến thức này còn giúp người nông dân có thể tự bán hàng online, chụp ảnh, viết content… để nâng cao hiệu suất làm việc và gia tăng thu nhập”, Lê Tuấn, Đội trưởng Đội hình “Tình nguyện trí thức trẻ” trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ.

Thành viên Đội hình Tình nguyện trí thức trẻ hướng dẫn đoàn viên, thanh niên xã Tân Bình
Thành viên Đội hình Tình nguyện trí thức trẻ hướng dẫn đoàn viên, thanh niên xã Tân Bình

Tuấn cho biết thêm, trong thời gian ở xã Tân Bình (từ 16/7 – 30/7/2022) các thành viên trong đội sẽ xây dựng mô hình nuôi chim cút lấy trứng hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Trước đó, các bạn trẻ đã khảo sát về sinh học, thổ nhưỡng, thu nhập của người dân nơi đây và nhận thấy việc nuôi chim cút để lấy trứng là một sự lựa chọn phù hợp.

“Chim cút là một loại chim có vòng đời từ 3-4 năm, nhỏ nên không đòi hỏi về điều kiện diện tích chăn nuôi. Hơn nữa, chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Theo tính toán, nếu phát triển tốt với sản lượng từ 8000-9000 trứng người chăn nuôi có thể thu về 3,4 – 3,8 triệu đồng/ ngày nếu bán trứng ngang hoặc 5,6- 6,3 triệu đồng/ ngày nếu bán trứng cút lộn. Do đó khi trừ đi chi phí thức ăn, người nuôi có thể lãi ổn định cuộc sống”, Tuấn giải thích thêm.

Giúp nông dân làm giàu, bắt nhịp với nông nghiệp 4.0
Các tình nguyện viên thực hiện công trình "Thắp sáng đường quê"

Để đảm bảo thành công cho mô hình, các bạn trẻ sẽ hỗ trợ 250 con giống nuôi thí điểm tại 4 hộ gia đình trên địa bàn thôn Tân Lập (xã Tân Bình). Do địa phương thuộc miền núi, đường khó đi nên quá trình vận chuyển và bảo quản giống về địa phương gặp nhiều khó khăn. Các hộ gia đình ở cách xa nhau nên sẽ mất nhiều thời gian, công sức để di chuyển đến từng nhà thí điểm. Tuy nhiên, các bạn trẻ đều cố gắng khắc phục để hỗ trợ người dân xã Tân Bình trong phát triển kinh tế.

Đây là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ góp phần xây dựng nông thôn
Đây là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ góp phần xây dựng nông thôn

“Chúng mình đặt kỳ vọng sau khoảng 40 ngày nuôi, chim sẽ phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Với 250 con giống, trung bình một ngày sẽ thu được 200 trứng, với giá bán 650đ/quả, trừ đi chi phí trung bình 1 ngày sẽ thu được 110,000đồng. Như vậy 1 tháng sẽ có lãi 3,600,000 đồng. Ban đầu sẽ có nhiều khó khăn nhưng nếu chăm sóc tốt dần dần chim sẽ đẻ trứng đều đặn hơn, thu nhập của người dân các hộ được chuyển giao cũng tăng dần và ổn định”, Trịnh Huyền Trang, thành viên Đội hình chia sẻ.

Theo Trang, thời gian ở Tân Bình, mỗi thành viên không chỉ cố gắng hỗ trợ người dân mà còn học hỏi, sống có kỷ luật hơn. Đặc biệt, các bạn trẻ biết cách đưa những kiến thức kinh tế đã được học tại trường áp dụng vào thực tiễn để góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông thôn.

Trong thời gian ở Tân Bình, các bạn trẻ cũng tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, khởi công công trình Thắp sáng làng quê - Xây dựng cột đèn năng lượng mặt trời.
Lượt xem: 80
Tác giả: Nguyễn Dũng
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết