Đan Phượng: Bảo đảm đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước khi trở thành quận
Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội hoàn thành xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và cũng là đơn vị dẫn đầu thành phố trong phong trào xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đan Phượng không ngừng nỗ lực, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá để sớm đưa Đan Phượng trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao, định hướng phát triển trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai.
15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện Nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội. Từ kết quả đạt được, huyện tiếp tục phấn đấu đạt huyện Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố. Đến thời điểm này, với 15/15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng đang trên đường về đích huyện Nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Sau khi trở thành huyện Nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội, Đan Phượng xác định mục tiêu xây dựng Nông thôn mới sẽ không có điểm dừng.
Vì vậy, ngay từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương cũng như thành phố về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, huyện vẫn chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới.
Đan Phượng quan tâm phát triển giáo dục, là huyện dẫn đầu thành phố Hà Nội về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia |
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Huyện khảo sát nhu cầu thực tế và trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề ra chương trình cụ thể.
Nếu như giai đoạn 2011 - 2016, Đan Phượng tập trung nguồn lực hoàn thiện bước đầu hạ tầng nông thôn thì đến giai đoạn 2016 - 2020, huyện chú trọng xây dựng, cải tạo cảnh quan, nâng cao về chất các tiêu chí Nông thôn mới gắn với những phong trào như: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”, “đường bích họa”, “cải tạo ao môi trường”…
Bên cạnh đó, Đan Phượng còn ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn; Tích cực lồng ghép, huy động nguồn xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Cụ thể như năm 2019, với mỗi xã về đích Nông thôn mới, Đan Phượng thực hiện hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nửa đầu năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đan Phượng vẫn giữ được kinh tế phát triển ổn định.
Tổng giá trị sản xuất của huyện ước khoảng 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 10,53% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách Nhà nước hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán thành phố giao, là năm thu ngân sách cao nhất so với nhiều năm qua.
Diện mạo Nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng |
Là một trong hai xã của Hà Nội được chọn là xã Nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) không ngừng nỗ lực, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: Trước những kết quả đạt được của xã Nông thôn mới nâng cao và những yêu cầu duy trì và nâng cao hơn chất lượng xây dựng Nông thôn mới, xã Đan Phượng là một trong hai xã của Hà Nội được chọn là xã Nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tình thần của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng xã thành phường.
Do đó, cơ sở hạ tầng của xã tiếp tục được đầu tư. Năm 2021, UBND xã đã khởi công 5 dự án xây dựng cơ bản về các lĩnh vực giao thông, văn hóa, điện với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án bằng nguồn xã hội hóa tổng giá trị hơn 3,5 tỷ đồng (gồm tu bổ, tôn tạo chùa Đại Phùng và nâng cấp hệ thống lưới điện do Hợp tác xã Đan Phượng đầu tư); Đồng thời, xã hưởng ứng cuộc thi thôn, phố sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn do huyện phát động.
Con đường bích họa tại thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng |
Ông Nguyễn Chí Tuấn, Trưởng thôn Đông Khê cho biết: Thôn đã họp dân, thống nhất đưa tiêu chí xanh, sạch, đẹp vào quy ước nên người dân có ý thức cao trong giữ gìn cảnh quan: Không để thùng rác, không xếp củi, gạch ra đường, không dán quảng cáo rao vặt trên các bức bích họa…
“Nhờ vậy, các tuyến đường trục chính các thôn được trồng hoa, chiều dài khoảng 3,58 km, vẽ tranh bích họa, quét sơn trên các tuyến đường ngõ xóm. Đầu năm 2021, thôn Đoài Khê, Đông Khê đã giải nhất”, ông Nguyễn Văn Thông cho biết.
Từ phong trào xây dựng Nông thôn mới, xã Đan Phượng đã xây dựng được hệ thống hạ tầng khang trang. Hiện, các trường học của cả 3 cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.
Xây dựng Nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa
Theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Với lộ trình này, huyện tiến hành xây dựng Nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí để lên quận, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và quy hoạch của thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Huyện cũng ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại; Phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm địa phương; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Đan Phượng là 1 trong 5 huyện của Hà Nội tập trung thực hiện các tiêu chí phát triển thành quận vào năm 2025, do đó huyện đã chỉ đạo, rà soát kết quả thực hiện bộ tiêu chí quận và tiêu chí huyện Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để tích hợp các tiêu chí, bảo đảm đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước khi trở thành quận.
Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, Đan Phượng sẽ tập trung chỉ đạo phát triển các khu đô thị mới theo quy hoạch, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống. Ở các ngôi làng có bề dày lịch sử, có cảnh quan thiên nhiên, huyện định hướng phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: Nhiều năm qua và cả hiện nay, xã Đan Phượng luôn dẫn đầu phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Chính phong trào vẽ tranh tường, làm đường hoa, lắp biển số nhà, đặt tên các tuyến đường... ở xã Đan Phượng đã lan tỏa ra các xã trong huyện Đan Phượng và cả thành phố. Văn phòng cũng đề xuất công nhận Đan Phượng là huyện đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021.