Cú đảo chiều của thương mại cùng 'lời gan ruột' của Bộ trưởng

Năm 2021, xuất nhập khẩu vượt kỷ lục đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Bước sang năm 2022, ngành Công Thương sẽ tiếp tục xác định các động lực tăng trưởng mới, từ đó tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập để thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu. 

Quý III/2021, dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất ở các trung tâm công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở thời điểm đó, ít ai có thể tin rằng cán cân thương mại sẽ đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu.

Duy trì thành quả 6 năm xuất siêu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư không chỉ là khó khăn chung của cả đất nước mà với cá nhân ông, đây là thách thức rất lớn khi vừa nhận nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Bo-truong-Cong-Thuong-Nguyen-H-6842-1922

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. 

Nếu như những tháng đầu năm 2021, chúng ta khởi đầu với nhiều dấu hiệu tích cực thì thời điểm cuối tháng 4, đất nước phải đối mặt với "thách thức lớn chưa từng có" khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở nhiều địa phương và xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện các biện pháp chống dịch, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề là khối doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Thời điểm đó, kim ngạch xuất khẩu của những khu vực kinh tế trọng điểm bị sụt giảm nghiêm trọng, điển hình như kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM trong tháng 7 giảm 31,2%, Bình Dương giảm 7,1% so với tháng 6. Đà giảm chưa dừng lại, tháng 8 xuất khẩu của TP.HCM tiếp tục giảm 10,8%, Bình Dương giảm 29,7% so với tháng trước.

Khó khăn chồng khó khăn khi doanh nghiệp đối mặt với bài toán dừng sản xuất để chống dịch hay duy trì sản xuất - bảo đảm chống dịch với chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên vật liệu leo thang, phát sinh chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh...

Trước bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức trên, Bộ trưởng Công Thương cho biết thực hiện những chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những cán bộ của ngành Công Thương - đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Trước hết, Bộ Công Thương đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, sớm thành lập “Ban chỉ đạo tiền phương” tổ chức lực lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các “Tổ công tác đặc biệt” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi ngay khi “cơn bão” COVID-19 lắng xuống; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành hữu quan xử lý kịp thời các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, Ngành Công Thương thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử hỗ trợ đắc lực giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao thương, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, đóng góp quan trọng vào kỳ tích về xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2021.

Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng cao 19%, xuất siêu được duy trì năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư 4 tỷ USD.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc

Năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” tăng 01 mặt hàng so với năm 2020, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 02 mặt hàng so với năm 2020. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc…

Năm 2022 được dự báo là sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tổng cầu của thị trường thế giới tăng mạnh. Song, dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát cũng sẽ tạo ra những thách thức rất lớn, một trong số đó là đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, giá cả chi phí đầu vào tăng cao.

Cùng với đó, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế số đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành Công Thương cần nhìn thẳng vào những mặt hạn chế trong hoạt động xuất khẩu như công tác phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thật sâu rộng ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và trong cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển kinh tế và thương mại quốc tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng mà thiếu sự đóng góp đáng kể của các yếu tố chiều sâu như năng suất lao động, hàm lượng tri thức hay công nghệ.

Mặc dù thương mại và đầu tư tăng trưởng nhanh nhưng nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất vẫn lệ thuộc vào thị trường thế giới, chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước và các chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, then chốt còn phụ thuộc nhập khẩu.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ xác định các động lực tăng trưởng mới của ngành, từ đó tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập.

Trong đó, Bộ trưởng Công Thương cho biết trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; Phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực - đây là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số.

Từ đó, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác có liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược kinh tế đối ngoại, xung đột thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng… do đại dịch COVID-19 hoặc các tình huống bất khả kháng khác có thể xảy ra.

Người đứng đầu Ngành Công Thương cũng nhấn mạnh tới chủ trương “xanh hóa” để phát triển trong năm 2022 cũng như thời gian tới. Theo đó, ngành sẽ chú trọng phát triển công nghiệp xanh và đẩy mạnh xanh hóa công nghiệp; tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và đảm bảo sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Thy Lê 

Lượt xem: 330
Tác giả: admin1
Tin liên quan