Cần quy hoạch chuyên ngành để khai thác và quản lý tiềm năng các tỉnh, thành

Một số tỉnh, thành phố có bề dày truyền thống lịch sử, có quỹ tài sản văn hóa phong phú, tiềm năng phát triển kinh tế du lịch nhưng lại thiếu công cụ quản lý là quy hoạch chuyên ngành.

Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Cần quy hoạch chuyên ngành để khai thác và quản lý tiềm năng các tỉnh, thành

Đại biểu Trần Việt Anh (đoàn TP Hà Nội). Ảnh TTXVN

Đại biểu Trần Việt Anh (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh quy hoạch chính là công cụ để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện cụ thể hóa mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Trần Việt Anh đánh giá, Luật Quy hoạch 2017 là công cụ tiến bộ với 8 loại hình gồm 111 quy hoạch các cấp, với mục tiêu đề ra là thống nhất các quy hoạch theo tầng bậc để quản lý đồng bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Việt Anh, sau 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Đến nay, chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, một số tỉnh, thành phố có bề dày truyền thống lịch sử, có quỹ tài sản văn hóa phong phú, có tiềm năng phát triển kinh tế du lịch nhưng lại thiếu công cụ quản lý là quy hoạch chuyên ngành.

Nêu dẫn chứng về các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố, đại biểu Trần Việt Anh cho biết, hiện nay về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và Nghị định chuyên ngành vẫn chưa kịp như Nghị định 166/2018/NĐ-CP về quy định thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Đại biểu cho biết, các nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối với các tỉnh, thành phố có lõi đô thị lịch sử đang phải giải quyết các vấn đề gia tăng áp lực giao thông, tổ chức không gian khu trung tâm, bố trí không gian tĩnh, bố trí, sắp xếp không gian ngầm đô thị, phát triển kinh tế đêm hay không gian đi bộ đều cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kỹ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học .

Đại biểu kiến nghị khi tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch 2017 thì cần phải rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới đủ điều kiện thực hiện quy hoạch; Ngoài ra, cần được bổ sung, làm rõ quy định về thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị.

Theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh nhiều bất cập.

Đại biểu Việt Anh cho rằng, chúng ta nhận thấy ngay lập tức các áp lực của gia tăng giao thông đô thị trong khu vực. Nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó. Về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. Có những dự án sau điều chỉnh, dân số tăng thêm gần một phường.

“Qua đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn Công an hay một trạm y tế, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ gánh nặng đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách Nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân”, đại biểu Việt Anh nói

Vì thế, đại biểu Trần Việt Anh kiến nghị cần có khảo sát đánh giá tác động các dự án đối với đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có cái nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.

“Đã đến lúc cần nghiên cứu các giải pháp mà quốc tế, các quốc gia trong khu vực đã áp dụng. Đó là chính sách chuyển quyền pháp triển không gian (TDR) với 4 lợi ích mà cơ chế đem lại. Trong đó có tái phân bổ lợi ích vượt khỏi ràng buộc về vị trí; Chính quyền nắm quyền kiểm soát; Sử dụng chính thị trường kiểm soát và ràng buộc các bên, giảm tham nhũng; Chính quyền có thêm quyền lực để phát triển”, đại biểu Việt Anh nói.

Lượt xem: 97
Tác giả: Hạnh Nguyên