Cán bộ Đoàn phải thực sự là người đại diện cho tiếng nói của thanh niên
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Trưởng Ban Công nhân Trung ương Đoàn cho rằng, cán bộ Đoàn rất đặc biệt, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của thanh niên. Đây là lực lượng tiêu biểu của thanh niên, được lựa chọn, rèn luyện, trưởng thành trong phong trào thanh niên.
Ngày 5/5, Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí cựu cán bộ Đoàn vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hà Quang Dự, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Tạo nguồn cán bộ cho cả hệ thống chính trị
Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị, được chuẩn bị chi tiết, công phu.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại hội nghị |
Quan tâm đến công tác cán bộ, ông Lê Truyền, nguyên Phó Trưởng Ban Công nhân Trung ương Đoàn cho rằng, cán bộ Đoàn là một nguồn bổ sung cán bộ cho cả hệ thống chính trị ở tất cả các cấp và ngày càng dồi dào. “Cán bộ Đoàn rất đặc biệt, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của thanh niên. Đây là lực lượng tiêu biểu của thanh niên, được lựa chọn, rèn luyện, trưởng thành trong phong trào thanh niên”, ông Truyền nhấn mạnh.
Theo ông Truyền, cán bộ Đoàn trưởng thành trong phong trào thanh niên, chịu sự giám sát của thanh niên. Nếu cán bộ Đoàn không đáp ứng được nhu cầu sẽ bị đào thải rất nhanh. Vì vậy, cán bộ Đoàn phải học tập, rèn luyện cả kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, nói đi đôi với làm để trưởng thành nhanh. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là cán bộ Đoàn phải có kiến thức chuyên sâu.
Ông Truyền khẳng định, đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay được rèn luyện, trưởng thành trong phong trào thanh niên, học tập bài bản, đủ sức cung cấp nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. “Tôi mong muốn kỳ đại hội lần này, Đoàn cần có một tuyên bố về đội ngũ cán bộ Đoàn và nhận trách nhiệm về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn để cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”, ông Truyền đưa ra kiến nghị.
Ông Lê Truyền phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Bên cạnh đó, ông Truyền cũng bày tỏ sự quan tâm về thanh niên, mong muốn, Đoàn tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên thượng tôn pháp luật.
TS. Trần Văn Miều, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Thanh niên cũng cho rằng, Đoàn sẽ thu hút, hấp dẫn thanh niên khi chú trọng đến yếu tố xã hội nhiều hơn.
Theo TS Miều, một bộ phận thanh niên hiện nay đang “ nhạt Đảng, khô Đoàn”. Để khắc phục tình trạng này, tổ chức Đoàn nên quan tâm hơn đến tính xã hội của thanh niên. Muốn đưa tính xã hội vào, Đoàn phải thực sự vì thanh niên, nói lên tiếng nói của thanh niên, là cầu nối của thanh niên với Đảng. Ngoài ra, tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần kiến tạo môi trường để tuổi trẻ học tập, xây dựng lối sống xanh.
Tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp
Quan tâm đến chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Lại, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội Học viện Thanh thiếu nhiên Việt Nam đề xuất: Tổ chức Đoàn cần hỗ trợ và phát huy thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám liên kết xây dựng “Vùng kinh tế hàng hoá trong nước” và “Khu kinh tế hàng hoá xuất khẩu”. Đoàn cần chủ động tìm đầu ra cho con đường nông sản của thanh niên.
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội nghị |
Trong công tác quốc tế thanh niên, cần coi du học sinh là nguồn nhân lực chất xám quốc gia, khích lệ, tạo cơ hội để họ về nước làm việc. Nếu du học sinh không về nước, tổ chức Đoàn cần khích lệ họ khởi nghiệp theo hướng kết nối hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài; Đồng thời phát huy ý kiến của du học sinh đóng góp vào chiến lược phát triển thanh niên đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu.
Bà Lại cũng cho rằng, việc đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống rất quan trọng. “Đoàn cần tổ chức nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, trong đó trú trọng định hướng kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình cho tiền hôn nhân và hôn nhân. Vì đây là nền móng của hạnh phúc gia đình và xã hội”, bà Lại nói.
Vấn đề này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khác bởi thực tế thời gian vừa qua xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến văn hóa gia đình trẻ. Vì thế, tổ chức Đoàn cần giáo dục văn hóa sống cho thanh niên cụ thể như văn hóa ăn, mặc, ứng xử trong đời sống hàng ngày.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị, khởi tạo dự thảo Báo cáo Chính trị đã luôn nhận được sự đóng góp tâm huyết của các cựu cán bộ Đoàn. Tiểu ban văn kiện sễ tổng hợp đầy đủ và tiếp thu các ý kiến với tinh thần nghiêm túc, cầu thị nhất.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhiệm kỳ tới phải đặt công tác giáo dục tư tưởng chính trị đúng với vai trò, nhu cầu, có giải pháp đột phá, điểm nhấn hơn. Trong đó, cán bộ Đoàn vừa đáp ứng yêu cầu mới vừa phải bứt lên, làm tốt vai trò dẫn dắt thu hút thanh niên. Mặt khác, phải làm tốt hơn vai trò giám sát, phản biện của tổ chức Đoàn; Tiếp tục chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thanh niên với những chương trình, mục tiêu cụ thể, rõ ràng.