Tưởng hay hóa hão và lần thứ 9 ‘vỡ mộng’ của Địa ốc Hoàng Quân
Lại một năm Địa ốc Hoàng Quân đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ và lại một năm mục tiêu không thành. Tuy nhiên, giới quan sát không lấy làm bất ngờ lắm với chuyện không thành của Hoàng Quân, bởi nó đã diễn ra tới lần thứ 9.
“2023 là cơ hội sáng” nhưng sáng ở đâu?
Đầu năm 2023, tại đại hội đồng cổ đông thường niên, Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) đã đặt ra mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. Đó là những con số “gây choáng”, bởi nó còn lớn hơn những gì HQC đã đề ra trong năm trước đó (năm 2022, kế hoạch doanh thu là 1.065 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 165 tỷ đồng).
Tại đại hội, trả lời băn khoăn của cổ đông về mục tiêu đầy tham vọng này, Chủ tịch HQC Trương Anh Tuấn nói rằng “Năm 2023 là cơ hội sáng cho HQC so với 8 năm qua” và rằng “Nếu việc hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng tại dự án Golden City thành công, doanh thu riêng tại dự án này đạt được sẽ là 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn các dự án nhà ở xã hội khác như chung cư nhà ở xã hội Tân Hương, khu đô thị mới Nam Phan Thiết….”
Ông Trương Anh Tuấn thậm chí còn “chắc nịch” rằng: “Năm 2023 doanh thu, lợi nhuận chắc chắn cao hơn năm 2022, có triển vọng để xử lý các vấn đề về thuế, vốn thặng dư âm, đưa mệnh giá cổ phiếu lên đúng giá”.
Tiếc rằng, thực tế không như những gì Chủ tịch HQC mong đợi. Và lời cổ nhân “Họa hổ bất thành phản loại cẩu” (vẽ hổ không thành, lại thành vẽ chó) lại ứng đúng vào HQC khi 2023 tiếp tục là một năm bi đát với doanh nghiệp này.
Cụ thể, trong năm 2023, HQC chỉ có duy nhất quý II có doanh thu trên 100 tỷ đồng, còn lại các quý khác, doanh thu chỉ vài chục tỷ đồng. Tình trạng này đã tái diễn tới năm thứ 3 liên tiếp, cho thấy tình hình kinh doanh của công ty không có bất cứ đột phá nào.
Đáng nói, lợi nhuận sau thuế các quý trong năm 2023 đều chỉ hơn 1 tỷ đồng (quý I: 1,01 tỷ đồng, quý II: 1,24 tỷ đồng, quý III: 1,2 tỷ đồng, quý IV: 1,58 tỷ đồng). Và nếu xét suốt từ quý III/2020 tới nay, ngoại trừ quý I và II/2022, lợi nhuận sau thuế các quý của HQC đều lẹt đẹt trong khoảng 1 – 2 tỷ đồng, tức HQC đã có tới 12 quý như vậy!
Lũy kế cả năm 2023, HQC có doanh thu thuần 293 tỷ đồng (tăng 6% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (giảm 73% so với năm trước). Đối chiếu với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng nêu trên, công ty chỉ hoàn thành 17,2% mục tiêu doanh thu và 3,5% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Đây là năm thứ 9 HQC không hoàn thành kế hoạch năm! Trước đó, năm 2022, công ty cũng chỉ hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Nhìn lại những nhận định của Chủ tịch HQC tại đại hội đồng cổ đông 2023, có thể thấy ông Trương Anh Tuấn đã quá lạc quan với những đổi thay chính sách diễn ra đầu năm 2023 (từ Nghị quyết 33 của Chính phủ, Nghị định 08, Nghị định 10 cho tới gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…). Công bằng mà nói, những đổi thay đó đúng là cơ hội sáng cho HQC – đơn vị được coi là “trùm” nhà ở xã hội miền Nam. Chỉ có điều, sáng trăng thì trời có mây mà sáng đèn thì trời lại nổi gió. Rốt cục, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội, HQC vẫn ngụp lặn trong mớ hỗn độn trong khi vẫn không thôi giấc mơ quay lại với thời kỳ đỉnh cao 2015 (doanh thu 1.390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 641 tỷ đồng).
Nói thêm về chữ “nếu” của ông Trương Anh Tuấn, liên quan dự án Golden City của Công ty Thành Phố Vàng, dự án này có quy mô 3,35 ha, tổng vốn đầu tư 1.776,6 tỷ đồng, gồm 7 block chung cư cao 15 tầng, với 1.652 căn hộ. Dự án được triển khai thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng 4 block chung cư A1, A2, B1, B2 dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022; giai đoạn 2 khởi công 3 block chung cư còn lại vào quý II/2020 và dự kiến hoàn thành vào quý II/2023. Tuy vậy, cho đến cuối năm 2023, 4 block nhà chung cư Golden City (giai đoạn 1) đang xây dựng cầm chừng, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.
Với tình hình như vậy, việc HQC mang Goden City làm căn cứ, cơ sở cho mục tiêu kinh doanh chẳng khác nào việc “đếm cua trong lỗ”. Chữ “nếu” của ông Trương Anh Tuấn trong trường hợp này cũng tương tự như chữ “nếu” trong câu ngạn ngữ trứ danh “Với một chữ nếu, người ta có thể nhét Paris vào một cái chai”.
Gần 60% tài sản là các khoản phải thu
Bên cạnh bức tranh kinh doanh u ám, bức tranh tài sản của HQC cũng không có nhiều điểm sáng. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của công ty đạt 7.299 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm tới 59% tài sản, đạt 4.292 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm, hầu hết là khoản phải thu với các bên liên quan.
Hàng tồn kho chiếm 8% tài sản, đạt 590 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án bất động sản; lớn nhất trong đó là Hoàng Quân Plaza (144 tỷ đồng), Bình Trưng Đông (48 tỷ đồng) rồi tới dự án nhà ở xã hội Trà Vinh (47 tỷ đồng), TTTM&CC cao tầng Hóc Môn (40 tỷ đồng)…
HQC đã dành tới 32% tài sản, tương đương 2.368 tỷ đồng, để đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh - chủ yếu là vào Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ (2.320 tỷ đồng, tương đương 39% điều lệ). Tuy nhiên, phần đầu tư tài chính rất lớn này không mang lại kết quả tương xứng về lợi nhuận.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 61 tỷ đồng, tăng 4,7 lần. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 14% so với đầu năm, chỉ còn 679 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu 4.364 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,67 lần. Với hệ số này, HQC có dư địa rất lớn để vay mượn thêm, nếu muốn. Tuy vậy, vốn có lẽ không phải vấn đề lớn nhất của công ty này mà là các thủ tục và cả năng lực triển khai dự án, nhất là khâu bán hàng.
HQC đã có 9 năm không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh, một con số mỏi mòn như Khương Duy đánh Ngụy thời Tam quốc, có thể làm nản lòng ngay cả những cổ đông kiên nhẫn nhất. Liệu năm 2024, mọi chuyện có khác đi với doanh nghiệp này?