Từ đại án Vạn Thịnh Phát, nhìn lại những vụ nhận hối lộ triệu USD gây rúng động dư luận

Hành vi nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng triệu USD xuất hiện trong những đại án kinh tế trong những năm qua. VietnamFinance điểm lại những vụ nhận hối lộ gây rúng động dư luận.

Cựu Cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo kết luận, bà Nhàn là trưởng đoàn và là người chỉ đạo đoàn thanh tra chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra Ngân hàng SCB.

Bà Nhàn là người thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới tham mưu, xây dựng dự thảo báo cáo lãnh đạo các cấp dự thảo kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, nữ cựu cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB (thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc) số tiền đặc biệt lớn lên tới 5,2 triệu USD, tương đương hơn 118 tỷ đồng, kết luận nêu.

Cơ quan điều tra cáo buộc bà Nhàn nhận hối lộ số tiền trên là để bao che, bưng bít cho sai phạm của Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD

Ngày 18/8/2023, Cơ quan điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 37 bị can trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Theo kết luận điều tra, sau khi Công ty Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã gặp và nhờ Nguyễn Thanh Long tạo điều kiện giúp đỡ để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành và tiêu thụ được kit xét nghiệm.

Nguyễn Thanh Long đồng ý và giao cho Nguyễn Huỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, nguyên Thư ký của Nguyễn Thanh Long là đầu mối liên hệ với Việt để giúp Công ty Việt Á; cấp số đăng ký lưu hành khẩn cấp để có căn cứ cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho kit xét nghiệm của Công ty Việt Á; tác động đến đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Nam Liên làm Trưởng đoàn để trì hoãn kết luận kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm; cấp số đăng ký lưu hành.

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit xét nghiệm, Việt tiếp tục nhờ và được bị can Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động để Bộ Y tế phân bổ 200.000 kit xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương trên cả nước, giới thiệu với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố để Công ty Việt Á tiêu thụ, bán kit xét nghiệm COVID-19.

Để cảm ơn bị can Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt đã đưa cho Nguyễn Thanh Long tổng số tiền là 2,25 triệu USD và đưa cho riêng Nguyễn Huỳnh 2 tỷ đồng.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD

Tháng 10/2019, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan.

Trong đó, Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận 3 triệu USD từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Cơ quan điều tra xác định, ông Son hưởng lợi bất chính từ việc chỉ đạo MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho vốn nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.

Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai của các bị can xác định Nguyễn Bắc Son là người đứng đầu Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG. Mặc dù biết rõ năng lực tài chính của AVG rất xấu, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế kéo dài, giá trị tài sản thấp, nhưng với mục đích mong muốn MobiFone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án, không tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trái pháp luật, quyết định giá mua 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty AVG, cao hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG; quyết liệt chỉ đạo Lê Nam Trà ký Thỏa thuận và Hợp đồng với AVG để chuyển tiền mua bán cổ phần. Quá trình thực hiện dự án, Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ tổng cộng 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.

Sau khi MobiFone chuyển tiền cho AVG, Nguyễn Bắc Son đã nhận 3 triệu USD, tương đương hơn 66 tỷ đồng đồng từ Phạm Nhật Vũ.

Cũng tại vụ án này, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh do thiếu trung thực trong kê khai tài sản, do làm trái nguyên tắc tài chính khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp này để vụ lợi cho cá nhân và gia đình...

Trong 5 đại án tham nhũng được điều tra xét xử những năm gần đây, vụ án tại Vạn Thịnh Phát đứng thứ ba về số tiền nhận hối lộ, với 120 tỷ đồng, sau đại án chuyến bay giải cứu (165 tỷ đồng) và đại án AVG liên quan cựu bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son (138 tỷ đồng). Song xét về số tiền nhận hối lộ trung bình mỗi quan chức nhận, vụ án Vạn Thịnh Phát đứng đầu danh sách, do toàn bộ 120 tỷ đồng này được đưa chỉ cho một người.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, 21 cựu quan chức bị xét xử tội nhận hối lộ, tức trung bình mỗi người 7,86 tỷ đồng; vụ AIC liên quan quan chức tỉnh Đồng Nai có ba người, trung bình 14,6 tỷ đồng/người; vụ Việt Á có 6 người, trung bình 17,7 tỷ đồng; vụ AVG có 4 người, trung bình 34,5 tỷ đồng.

Lượt xem: 13
Tin liên quan