Truy cập hệ thống CIC nhiều người dân bỗng dưng phát hiện có nợ xấu

Nhiều cá nhân không biết được chứng minh thư, thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt ra ngoài, nhưng khi tra cứu vào CIC mới phát hiện ra đang có trong danh sách nợ xấu.

Đây là thông tin được đại diện Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) chia sẻ tại buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khoá” mùa 2, được tổ chức ngày 8/8.

Theo đại diện CIC, qua theo dõi trên hệ thống CIC, chương trình “Tay hòm chìa khoá” mùa 1 lượng khách truy cập qua CIC tăng nhanh. Ví dụ, số lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước; Số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình 1 ngày tăng gần 28%...

BMT-3729-6623-1659943013.jpg

Phó Thống đốc NHNN Đào Kim Anh phát biểu tại buổi ra mắt chương trình "Tay hòm chìa khoá".

Bên cạnh đó, trên các nền tảng điện thoại, gmail, trực tuyến… số lượng người dân cần được tư vấn, hỗ trợ làm sao để tránh bị nợ xấu, lừa đảo, đánh cắp danh tính… ngày càng tăng.

Đáng lưu ý, đại diện CIC cho biết, nhiều cá nhân không biết được chứng minh thư, thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt ra ngoài, nhưng khi tra cứu vào CIC mới phát hiện ra đang có trong danh sách nợ xấu. “Đây là thông tin chúng tôi nhận được qua hệ thống hỗ trợ khách hàng”, đại diện CIC cho hay, đồng thời khẳng định: chương trình “Tay hòm chìa khoá” mang lại hiệu quả không chỉ cho người dân trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng mà các tổ chức tín dụng cũng được hưởng lợi khi khách hàng đang có nợ xấu cũng tự động đến trả nợ sớm cho ngân hàng.

Phát biểu tại chương trình, Phó Thống đốc NHNN Đào Kim Anh cho rằng, trọng tâm của tài chính toàn diện quốc gia cần chú trọng lấy người dân làm trọng tâm, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn và những doanh nghiệp nhỏ.

Ví dụ thời gian qua, tín dụng đen hoành hành các cấp các ngành rất nỗ lực để ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, vẫn nhiều đối tượng người dân, đặc biệt là công nhân không tiếp cận được với nguồn vốn chính thống từ ngân hàng nên vay tín dụng đen, gây ra hệ luỵ rất lớn. Vì vậy, chương trình cần chú trọng trọng tâm đến công nhân ở các khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. “Có nhiều người chưa biết tới các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đây là có trách nhiệm của các ngân hàng thương mại”, ông Kim Anh nói.

Lấy dẫn chứng, Phó Thống đốc cho biết, hiện nay ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa gắn chip, nhưng truyền thông không tới nên công nhân chưa biết đến để sử dụng dịch vụ.

Vì vậy, chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2 sẽ phát sóng số đầu tiên vào 20 giờ 55 ngày 12/8 trên kênh VTV1. Chương trình tập trung nội dung liên quan đến hỗ trợ lãi suất suất 2%, các sản phẩm tín dụng dành cho cá nhân hay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng, hay những tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, cùng những lưu ý, cảnh báo để người dân biết cách phòng tránh, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán…

Đối tượng khán giả của chương trình là mọi người dân, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, thu nhập thấp, phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...

Sau các chương trình “Tay hòm chìa khóa” về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với các giải pháp của ngành Ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Thanh Hoa

Lượt xem: 58
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan