Triệt phá đường dây làm giả giấy tờ để mua bán xe không rõ nguồn gốc, xe thế chấp ngân hàng
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây làm giấy tờ giả để mua bán xe ô tô không rõ nguồn gốc, xe thế chấp ngân hàng; tạm giữ hình sự 4 đối tượng về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”…
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện có một nhóm đối tượng thường xuyên mua bán xe ô tô cũ không rõ nguồn gốc, xe đang thế chấp trong ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc mua bán xe.
Trong đó, cuối tháng 12/2023, các trinh sát phát hiện có một đối tượng tên là Nguyễn Tuấn Anh ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân đem chiếc xe ô tô nhãn hiệu Vinfat LuxA màu trắng, BKS 36A – 79043 bán cho Bùi Văn Toàn ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với giá 130 triệu đồng. Đây chính là chiếc xe Nguyễn Tuấn Anh đã thuê từ một Công ty cho thuê xe tự lái trên địa bàn phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Do đây là chiếc xe đang thế chấp trong ngân hàng, giấy đăng ký xe chỉ là giấy phô tô, nên khi bán chiếc xe này cho một người khác, Bùi Văn Toàn đã lên mạng xã hội móc nối với các đối tượng làm giả giấy tờ để làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng sử dụng cho việc bán chiếc xe nói trên.
Sau khi bắt giữ Nguyễn Tuấn Anh và Bùi Văn Toàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng để điều tra, mở rộng vụ án. Từ đây, lực lượng chức năng dần phát hiện một đường dây chuyên làm giấy tờ giả để mua bán xe không rõ nguồn gốc hoặc xe đang thế chấp ngân hàng với thủ đoạn tinh vi do Đinh Hữu Ngọc ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Thế Thành ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội cầm đầu.
Khám xét nơi ở của 4 đối tượng này, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, con dấu, hồ sơ để làm giả các giấy tờ xe ô tô mà chủ yếu là các giấy biên nhận thế chấp ngân hàng và các giấy kiểm định xe.
Thủ đoạn của các đối tượng này là thành lập hội nhóm “Hội mua bán xe ngân” trên mạng xã hội để thực hiện việc giao dịch mua bán các loại xe ô tô “Ngân” (đây là xe đã thế chấp giấy tờ, đăng ký xe tại ngân hàng, một thời gian sau chủ xe không trả nợ theo hợp đồng thế chấp nữa mà mang xe đi bán). Các loại xe ô tô này không có giấy tờ gốc nên chỉ bán với giá khoảng 1/3 so với giá thị trường. Các đối tượng đã làm giả giấy biên nhận thế chấp ngân hàng để sử dụng đi kiểm định (không có giấy biên nhận thế chấp ngân hàng còn thời hạn không thể kiểm định cho xe ô tô) và dùng cho việc mua bán xe.
Chỉ tính từ cuối tháng 12/2023 đến nay, nhóm đối tượng này đã làm giấy tờ giả để mua bán hàng trăm xe ô tô của các đối tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Hưng Yên, TP. Hà Nội, Thanh Hóa…trị giá trên 50 tỷ đồng.
Qua vụ án này, cơ quan Công an khuyến cáo: Khi mua xe ô tô đã qua sử dụng, người mua xe cần chú ý xác định tính pháp lý của chiếc xe cần mua như: Nguồn gốc, giấy tờ xe… liệu có đang cầm cố ngân hàng, hay tranh chấp, giấy tờ có chuẩn theo xe hay không. Đừng chủ quan, ham rẻ mà mua phải xe không bảo đảm tính pháp lý, tạo cơ hội để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.