Tổng Giám đốc bị bắt, lộ diện nhà đầu tư mua 49% vốn SHG

Bộ Xây dựng đã hoàn tất thoái hơn 13.24 triệu cp SHG thông qua đấu giá công khai, thu về hơn 139 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư đã mua toàn bộ cổ phần. Ngay sau đó, SHG thông báo triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng (Song Hong Land) thành lập ngày 22/05/2007, với 4 cổ đông bao gồm Tổng CTCP Sông Hồng, CTCP Xây dựng Sông Hồng, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Sông Hồng và CTCP Đầu tư Xuất nhập khẩu Biển Bắc.

Song Hong Land có trụ sở chính đặt tại tòa nhà văn phòng 165 Thái Hà (Sông Hồng ParkView), phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Tổng Giám kiêm đại diện pháp luật ở thời điểm hiện tại là bà Văn Diễm Hương.

Theo kết quả giao dịch trên HNX, có hai nhà đầu tư trong nước trúng đấu giá 13.24 triệu cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng (UPCoM: SHG) do Bộ Xây dựng đấu giá, gồm một cá nhân và một tổ chức.

Giá đấu thành công bình quân 10,500 đồng/cp (bằng với giá khởi điểm và cao hơn thị giá tới hơn 70%, vốn chỉ quanh mức 3,000 đồng/cp) cho toàn bộ hơn 13.24 triệu cp SHG (tỷ lệ 49.04%), Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng.

Trong đó, nhà đầu tư tổ chức là CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng (Song Hong Land) đã mua 13.23 triệu cp SHG, tương ứng số tiền hơn 138.9 tỷ đồng để sở hữu 49% vốn SHG. Trước đó, Công ty này chưa sở hữu cổ phiếu SHG.

Còn lại nhà đầu tư cá nhân mua 11,200 cp (tỷ lệ 0.04%), tương ứng 117.6 triệu đồng.

Cuối năm 2020, Bộ Xây dựng đấu giá bất thành cũng lượng cổ phần trên, giá đấu khởi điểm là 10,000 đồng/cp trong khi thị giá thời điểm đó chỉ khoảng 2,000 đồng/cp.

Trên thị trường, SHG đang trong tình trạng hạn chế giao dịch, nhưng lại luôn tăng trần trong mỗi phiên gần đây. Lần gần nhất SHG giao dịch ở giá tiệm cận 10,000/cp là giữa năm 2015.

Việc Bộ Xây dựng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thoái vốn còn đến từ SHG đang chìm trong thua lỗ, nợ nần.

Từ sau cổ phần hóa (năm 2010), SHG liên tục thua lỗ. Đỉnh điểm vào năm 2018, lỗ kỷ lục gần 383 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty tiếp tục lỗ 27 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, là năm thứ 9 liên tiếp lỗ, kéo theo lỗ lũy kế gần 1,293 tỷ đồng tính tới giữa năm 2023. Vốn chủ sở hữu âm 987 tỷ đồng.

Nợ phải trả 1,972 tỷ đồng, trong đó gần 1,724 tỷ đồng nợ ngắn hạn và đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Đây là nguyên nhân khiến đơn vị kiểm toán lưu ý về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể gây nên nghi ngờ đáng kể liên quan tới khả năng hoạt động của SHG.

Tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên, Ban lãnh đạo SHG chỉ ra khó khăn là công tác thu hồi vốn tại các công trình thi công, dẫn đến tồn đọng vốn lớn. Việc này ảnh hưởng đến uy tín của Công ty với các tổ chức tín dụng cũng như gây phát sinh chi phí vốn. Tình hình tài chính bết bát, mất cân đối nghiêm trọng gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới do SHG không có khả năng trúng thầu.

Trong một diễn biến khác gần đây, ông Lã Tuấn Hưng – Tổng Giám đốc Công ty bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam vì có liên quan tới các vi phạm về đấu thầu liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.

SHG cũng vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng 18/01/2024 để lập danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, nhằm mục đích kiện toàn nhân sự thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc Tổng Công ty và vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Cuộc họp dự kiến diễn ra trong tháng 02/2024 tại Hội trường Tổng CTCP Sông Hồng, số 70 đường An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

* Khởi tố và bắt tạm giam Tổng Giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng Lã Tuấn Hưng

Lượt xem: 7
Tác giả: Huy Khải
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật