Thủ tướng Chính phủ: Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm để phát triển bền vững kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm, tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều nay (5/11).
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới các đại biểu Quốc hội, khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng cho hay tình hình thế giới có nhiều điểm mới, nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội trong 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Thủ tướng dẫn chứng bằng các con số như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%; Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2%, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỉ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỉ USD…
Trong bối cảnh khó khăn và thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn, Thủ tướng khẳng định "tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động, mà phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt".
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; Không chuyển trạng thái đột ngột.
Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; Góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
"Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu giải trình |
Sẽ sửa đổi nhiều quy định để minh bạch thị trường tài chính
Thông tin về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng cho hay, hiện đã có chủ trương, giải pháp để xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý đối với 5/12 dự án, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.
Với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng khẳng định đã tập trung chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đến nay thị trường vốn cơ bản phát triển đầy đủ, quy mô tăng mạnh.
Tuy vậy, nhìn nhận thị trường có tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, Thủ tướng cho hay cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý các quy định liên quan, thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Cụ thể, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và các quy định liên quan. Tăng công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, tuân thủ của doanh nghiệp, kiểm soát hơn đấu giá quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân…
Sự phối hợp trong quản lý xăng dầu còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời
Thủ tướng cho hay trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu, đề xuất xem xét các loại thuế khác để giảm giá hỗ trợ người dân doanh nghiệp…
Tuy vậy, do giá và nguồn cung tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn và khó dự báo, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương.
"Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước", Thủ tướng cho hay các quy định áp dụng trong tình hình bình thường, còn khi tình hình không bình thường thì phản ứng chính sách không kịp thời dẫn đến tình trạng trên.
Theo đó, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Đồng thời sửa đổi quy định, đảm bảo hiệu quả quản lý xăng dầu, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng phòng chống buôn lậu, đầu cơ, kiểm tra giám sát để xử lý nghiêm và nghiên cứu nâng tổng mức dự trữ.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Có tình trạng sợ trách nhiệm
Về tình hình giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nhìn nhận việc thực hiện các chương trình chưa đạt mong muốn của cử tri, với số vốn còn lại tới 282.000 tỉ đồng, còn 8,3% tổng số vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ...
Nêu ra những hạn chế có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, có tâm lý "sợ trách nhiệm", Thủ tướng cho hay đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, thực hiện cơ chế đặc thù; Rà soát điều chuyển vốn, không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Về vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp làm ảnh hưởng tới người dân, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật còn vướng mắc, sợ trách nhiệm...
Do đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi quy định liên quan, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; Đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực...
Năm 2023 sẽ tiếp tục giãn, giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp
Về dự toán chi, thu NSNN năm 2022, Thủ tướng đánh giá việc thận trọng, chắc chắn là phù hợp để tránh bội chi lớn, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Năm 2023 tình hình còn khó khăn nên Chính phủ sẽ tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, dự báo thu chi cần thận trọng, chắc chắn, khả thi…
Về tăng năng suất lao động, Thủ tướng nhìn nhận dù có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Giải pháp tập trung là đẩy mạnh các đột phá chiến lược, có cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; Đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…