Quảng Nam: Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh không để xảy ra các điểm nóng khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Đốt phá các lán trại tại các bãi vàng trái phép
Lực lượng chức năng tỉnh Qảng Nam truy quét tại bãi vàng trái phép trên địa bàn huyện Phú Ninh (Ảnh: Quốc Huy)

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê lại danh sách các Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp trên địa bàn từ tháng 7/2011 đến hết năm 2021. Đồng thời, Sở báo cáo tình hình cấp phép, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đá, cát, sỏi, đất sét, đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát và có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò của UBND tỉnh khẩn trương nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt về Trung tâm Thông tin lưu trữ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, có văn bản thông báo, yêu cầu các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn phải khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ.

Đối với các đơn vị đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo đề án đã phê duyệt thì phải tập trung thực hiện, sớm hoàn thành.

Trường hợp các đơn vị chủ mỏ không chấp hành thực hiện thì UBND cấp huyện giao cho phòng, ban chức năng, hoặc UBND cấp xã tổ chức lập đề án đóng cửa mỏ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện và thanh toán từ nguồn kinh phí ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của đơn vị chủ mỏ đã nộp tại Quỹ Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, định kỳ hằng năm, Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh tổng hợp thông tin, số liệu về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (kể cả giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường), báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh để theo dõi, quản lý.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn mình phụ trách; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đúng các nội dung quy định tại giấy phép được cấp; Cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn mà không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ theo quy định.

Các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương và các phòng chức năng thường xuyên theo dõi, tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; Không để xảy ra các điểm nóng khai thác, chế biến, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn mình quản lý.

ực lượng Công an tiến hành đốt phá các hầm lò tại các bãi vàng trái phép (Ảnh: Quốc Huy)
Lực lượng chức năng tiến hành đốt phá các hầm lò tại các bãi vàng trái phép (Ảnh: Quốc Huy)

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3593/BTNMT-ĐCKS ngày 24/6/2022 gửi các địa phương trong cả nước, về việc tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, nhất là công tác rà soát khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản khi cấp phép hoạt động khoáng sản; Công tác đóng cửa mỏ khoáng sản; Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại nhiều địa phương còn tồn tại, hạn chế; Hiệu quả phối hợp với Bộ chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa gửi bản sao giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản về Bộ; Công tác đôn đốc các tổ chức, cá nhân nộp báo cáo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo giấy phép thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh vào Lưu trữ Địa chất chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân khai thác không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ khoáng sản khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng không cung cấp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp; Chưa thường xuyên rà soát việc thu hồi khoáng sản đi kèm có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo giấy phép khai thác đã cấp để hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

Lượt xem: 78
Tác giả: Hà My
Tin liên quan