Những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Bảo hiểm Tiền gửi và một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Sau gần 10 năm triển khai, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc trong quá trình thực thi cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành.
Những vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, tiền gửi được bảo hiểm: Hiện nay theo Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG không quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác. Do vậy, vẫn còn các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm. Trên thực tế, còn tồn tại khó khăn trong việc xác định một số loại tiền gửi có là tiền gửi được bảo hiểm hay không như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước…
Thứ hai, chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi: Việc quy định phải niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có tiền gửi chưa hợp lý, gây lãng phí trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ có một điểm giao dịch cũng là trụ sở chính (quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Luật BHTG chưa có quy định về việc sửa đổi, bổ sung Chứng nhận tham gia BHTG, thủ tục cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG khi tổ chức tham gia BHTG có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia BHTG hoặc khi tổ chức BHTG thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia BHTG.
Thứ ba, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản.
Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 có thay đổi về thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt, về thời điểm NHNN có văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản… Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Luật BHTG đảm bảo tính kịp thời, tránh gây áp lực lên hệ thống TCTD.
Thứ tư, trục lợi BHTG: Trên thực tế có hiện tượng chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm để chuyển một khoản tiền gửi trên hạn mức của một người thành nhiều khoản tiền gửi của nhiều người để được nhận tiền bảo hiểm nhiều hơn. Trong quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG chưa quy định về biệc tổ chức BHTG từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát hiện có hành vi trục lợi BHTG. Để hạn chế việc trục lợi BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cần có quy định cụ thể về khái niệm trục lợi BHTG và quyền, nghĩa vụ tổ chức BHTG trong trường hợp này.
Thứ năm, hoạt động đầu tư của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN): Luật BHTG quy định tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN. Luật chưa quy định BHTG được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết. Khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền BHTG, BHTGVN cần phải được phép bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN đang nắm giữ để chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ sáu, sự tham gia của BHTG trong quá trình cơ cấu lại TCTD, xử lý TCTD yếu kém: Theo Luật Các TCTD (sửa đổi), tổ chức tham gia BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân. Luật BHTG quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức BHTG chưa đảm bảo để tổ chức BHTG có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD.
Thứ bảy, cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mônhưng Luật BHTG chưa có quy định về nội dung này.
Thứ tám, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có quy định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN song Luật BHTG chưa có quy định nội dung này.
Sửa đổi Luật BHTG, nâng cao vai trò của tổ chức BHTG
Thứ nhất, về tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm: Cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hoặc giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các khoản tiền gửi được bảo hiểm, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.
Thứ hai, về chứng nhận tham gia BHTG: Sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG theo hướng tổ chức tham gia BHTG chỉ có một điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính được niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG thay cho bản sao, đồng thời bổ sung quy định khái niệm điểm giao dịch để đảm bảo rõ ràng. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG khi tổ chức tham gia BHTG có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia BHTG hoặc khi tổ chức BHTG thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia BHTG. Sửa đổi quy định về thời hạn cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG để đảm bảo thời gian BHTG xử lý hồ sơ theo quy định. Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG của BHTGVN.
Thứ ba, về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn. Song song đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm theo hướng rút ngắn thời hạn trả tiền đối với trường hợp hồ sơ chi trả BHTG đầy đủ, hợp lệ, đủ điều kiện để chi trả sớm hơn cho người gửi tiền nhắm ổn định tâm lý người gửi tiền.
Thứ tư, về trục lợi bảo hiểm tiền gửi: Bổ sung quy định cấm hành vi trục lợi BHTG như cố ý chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm để được hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn…
Thứ năm, về hoạt động đầu tư của BHTGVN: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của BHTGVN theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của BHTGVN và thống nhất với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cuả Luật Các TCTD.
Thứ sáu, về tham gia của BHTG trong quá trình cơ cấu lại TCTD, xử lý TCTD yếu kém: Bổ sung quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và cụ thể một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình cho vay đặc biệt.
Thứ bảy, bổ sung quy định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ để thổng nhất với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và cụ thể một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.
Thứ tám, nghiên cứu để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém như xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt thông qua các hình thức như: tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động QTDND.