Nhiều nạn nhân lại sập bẫy sàn tiền ảo Fashinn
Nhiều nạn nhân cho biết, bị sàn giao dịch tiền ảo nhị phân Fashinn lừa đảo với số tiền hàng trăm triệu đồng/người. Hiện các nạn nhân đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Mời gọi đầu tư vào sàn forex, tiền ảo lừa đảo
Nhiều nhà đầu tư cho hay, từ đầu năm đến nay, họ được những người tự xưng là nhân viên của Công ty chứng khoán Fashinn (mạo danh là chứng khoán SHS) tiếp cận qua mạng xã hội để dụ dỗ tham gia đầu tư các gói dữ liệu với lợi nhuận khủng.
Bà Nguyễn Thị Ng. (Nam Định) kể, đầu tháng 8/2022, bà được một người tên là CG. Thái Hoàng tiếp cận qua mạng xã hội, mời tham gia mua gói dữ liệu của Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Fashinn với lợi nhuận gấp hàng chục lần vốn đầu tư.
“Người này cho biết, Fashinn là công ty chứng khoán lâu năm tại Mỹ, hợp tác với nhóm chuyên gia phân tích SSI Research, đồng thời chụp ảnh cho tôi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng khoán của Công ty Chứng khoán SHS (Fashinn), trụ sở tại tòa nhà Unimexx, 41 - Ngô Quyền, Hà Nội. Bên xác nhận là Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an TP. Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi hỏi một đứa cháu làm ở ngân hàng, tôi biết được đây là sàn lừa đảo và không gửi tiền vào đầu tư”.
Không phải ai cũng may mắn như bà Ng., Anh Nguyễn Văn Phúc (Thanh Hóa) cho biết, anh nhận được lời mời tham gia vào nhóm bắn lệnh đầu tư ở sàn Fashinn trên ứng dụng Telegram. Tò mò nhấn link gia nhập nhóm, anh thấy nhiều nhà đầu tư chia sẻ lãi lớn nhờ đầu tư trên sàn Fashinn và tung hô, cảm ơn các “thầy” bắn lệnh đã mang lại cơ hội đổi đời. Thấy dễ kiếm lời, anh Phúc quyết định tham gia mở tài khoản và được một người tên là Thanh hướng dẫn.
Ban đầu, người này đề nghị anh nộp 500.000 đồng vào tài khoản và hướng dẫn anh thực hiện một số lệnh. Ngay giao dịch đầu tiên, tài khoản của anh Phúc nhân đôi lên hơn 1 triệu đồng. Sau khi rút thử 500.000 đồng về tài khoản ngân hàng thành công, anh Phúc phấn khởi đồng ý tham gia “Gói dữ liệu”. Theo giới thiệu của Thanh, Fashinn có tất cả 8 gói dữ liệu, từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lợi nhuận cao gấp 12-15 lần vốn bỏ ra trong thời gian ngắn.
Nghe lời tư vấn, anh Phúc đồng ý tham gia gói 30 triệu đồng, nạp tiền vào tài khoản xxx 965 của Phạm Phước Nghĩa tại Ngân hàng BIDV và nghe “thầy” hô lệnh trên Telegram. Chỉ vài ngày đi lệnh theo hướng dẫn của “thầy”, tài khoản của anh Phúc tăng 15 lần lên 450 triệu đồng. Lúc này, anh Phúc nhập lệnh rút tiền về thì được nick CSKH-Fashinn trên Telegram thông báo phải đóng phí chuyển nhanh 24/7 với tổng số tiền hơn 41 triệu đồng thì mới được rút. Nôn nóng muốn rút số tiền lớn, anh Phúc đóng 41 triệu đồng vào tài khoản của Phạm Phước Nghĩa.
Thế nhưng, ngay sau đó, bên chăm sóc khách hàng lại yêu cầu anh đóng thêm hơn 1.000 USD phí bảo hiểm. Lúc này, anh Phúc đã ngờ ngợ bị lừa, song do xót số tiền bỏ ra, anh nhắm mắt nộp thêm 25 triệu đồng nữa với hy vọng nhận về số tiền đã bỏ ra. Tuy vậy, sau khi đóng tổng cộng hơn 65 triệu đồng tiền phí, bảo hiểm, anh lại được sàn thông báo thông tin cá nhân nhập lên sàn bị sai và yêu cầu phải đóng hơn 40 triệu đồng nữa để sửa phần mềm hệ thống. Lúc này, anh Phúc mới chắc chắn đã bị lừa.
Trước đó, vào tháng 2/2022, anh Phan T., một nhà đầu tư khác cũng dính chiêu lừa tương tự trên sàn Fashinn. Theo đó, anh đã tham gia gói dữ liệu 40 triệu đồng, thu về lãi ảo hơn 400 triệu đồng và phải nhiều lần nộp tiền vào tài khoản Hồ Văn Mạnh (phí rút tiền, bảo hiểm, tiền sửa phần mềm thông tin trên sàn) với tổng số tiền 160 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp tiền, sàn vẫn lấy nhiều lý do để không cho anh rút tiền và tiếp tục đề nghị đóng thêm tiền mới giải quyết.
Sớm đưa ra khung pháp lý để xử lý tiền ảo
Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các hình thức lừa đảo thông qua các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, sàn giao dịch ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), sàn giao dịch tiền “ảo” hoặc kinh doanh đa cấp trái phép tăng mạnh.
Trong khi đó, mặc dù đã được Chính phủ thúc giục nhiều lần, song hành lang pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện. Luật “gốc” về tài sản ảo, tiền ảo chưa có, nên việc đưa ra các chế tài xử phạt trong các luật chuyên ngành cũng chưa thể thực hiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiền ảo tiềm ẩn nguy cơ cao về rửa tiền, song việc đưa quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đang gặp nhiều khó khăn. Trong dự thảo trước đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa tài sản ảo vào đối tượng của Luật. Tuy nhiên, trong tờ trình mới nhất mà NHNN báo cáo Thường vụ Quốc hội, quy định này đã thay đổi.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng giải thích, do luật nguồn chưa có, nên mặc dù có giao dịch về tiền ảo, nhưng cơ quan chức năng không bắt bớ, cũng không ngăn cấm. Do đó, ở dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.
Cách đây 5 năm, Chi cục Thuế TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre) thua kiện một cá nhân vì đánh thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng về kinh doanh bitcoin. Tuy nhiên, sau đó, cá nhân này khiếu nại và Tòa án đã phải tuyên hủy quyết định đánh thuế của Chi cục Thuế TP. Bến Tre. Nguyên nhân là bitcoin chưa được công nhận là hàng hóa, tài sản, nên giao dịch không phải nộp thuế.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, đa số nạn nhân sập bẫy tiền ảo, đa cấp đều do lòng tham, muốn làm giàu nhanh. Do hành lang pháp lý ở Việt Nam chưa công nhận tài sản ảo, nên người chơi phải gánh chịu mọi rủi ro, khó có căn cứ được cơ quan chức năng bảo vệ. Chưa kể, các sàn tiền ảo lại chủ yếu thành lập ở nước ngoài, muốn xử lý cũng không đơn giản. Cần sớm có hành lang pháp lý về tài sản ảo để các cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý đưa ra quy định, chế tài xử phạt với tiền ảo, tài sản ảo. |