Nghiên cứu cải tiến chính sách thuế, hải quan phù hợp với điều kiện thực tiễn

Sáng ngày 15/11, Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) đã tổ chức hội thảo “Chính sách thuế, hải quan, logistics”. Tham dự Hội thảo có PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính); Ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan); đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cùng đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính).

Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước. Ở Việt Nam, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là 2 cơ quan thuộc Bộ Tài chính, có chức năng trực tiếp quản lý thuế. 

Quản lý thuế tốt giúp đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Quản lý thuế tốt cũng đảm bảo phát huy vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.

Thuế, hải quan đều là những lĩnh vực rất quan trọng trong quản lý kinh tế của Nhà nước. Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hoạt động kinh tế rất quan trọng khác là logistics cũng chiếm tỷ lệ khá lớn trong GDP. 

PGS, TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan Phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS, TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan Phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS, TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh, năm 2022, bối cảnh nền kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam có cũng nhiều biến động lớn. Trong những tháng đầu năm, dịch COVID-19 lan rộng và phức tạp, sau đó dần dần được kiểm soát. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng do nhu cầu tăng mạnh sau dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine đã tạo áp lực lớn về lạm phát đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Kinh tế Việt Nam năm 2022 có nhiều triển vọng sáng, có khả năng đạt được mức tăng trưởng khoảng 8% nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn. Trong bối cảnh đó, chính sách thuế, hoạt động quản lý thuế, hải quan cần điều chỉnh như thế nào cũng là một chủ đề rất quan trọng cần được thảo luận cả từ các nhà quản lý và các nhà khoa học.

Nghiên cứu cải tiến chính sách thuế, hải quan phù hợp với điều kiện thực tiễn  - Ảnh 1Ông Tô Thanh Tùng - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về chính sách thuế và quản lý thuế ở Việt Nam, ông Tô Thanh Tùng - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trên thực tế, hiện nay đang còn nhiều vướng mắc, khóa khăn trong khâu quản lý thuế, đó là làm sao để thu đúng, thu đủ. Vụ Chính sách Thuế rất mong các nhà khoa học có thêm những nghiên cứu đánh giá giúp cho các nhà quản lý hoàn thiện chính sách thuế, góp phần tạo điều kiện cho cơ quan Thuế xây dựng Luật Quản lý Thuế đồng bộ và thống nhất.

Theo ông Tô Thanh Tùng, ngày 16/12/2021 Chính phủ ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ quốc hội khóa XV, trong đó có hướng dẫn xây dựng việc sửa đổi Luật Quản lý Thuế. Theo đó, tại đề án sửa đổi Luật Quản lý Thuế, Tổng cục Thuế - đơn vị được giao chủ trì xây dựng đề án đã rất quan tâm đến nội dung quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ và công tác chuyển đổi số trong quản lý thuế...

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Điển hình như chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế. Hiện nay 100% doanh nghiệp trên cả nước đã đăng ký kê khai nộp thuế điện tử; Hay như trong công tác kê khai nộp thuế không thường trú tại Việt Nam, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế thông qua mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng Web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Thông qua ứng dụng eTax-Mobile, ngành Thuế đã cung cấp các dịch vụ nâng cao mang tính trải nghiệm cho người dùng, giúp người nộp thuế dễ dàng truy cập, sử dụng mọi lúc mọi nơi...

Ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) phát biểu tại Hội thảo

Ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về nhận thức trong quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) khẳng định, trong thời gian qua, công tác hải quan luôn được đánh giá cao trên mọi góc độ. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của cơ quan hải quan trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò trong việc tham gia xây dựng và góp ý vào quá trình xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Ông Bùi Thái Quang nhấn mạnh, cần quan tâm hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu có tác động đến môi trường, an toàn sinh học. Hiện nay, Luật bảo vệ môi trường 2020, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, những văn bản dưới luật hướng dẫn triển khai áp dụng trong lĩnh vực hải quan, cũng như những kế hoạch triển khai cụ thể của ngành Hải quan trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn đang được xây dựng. Vì vậy, cần đẩy nhanh quá trình này để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc triển khai thực hiện. Đẩy mạnh triển khai tốt nội dung “Sáng kiến Hải quan xanh” theo khuyến cáo của WCO và UNEP, cơ quan Hải quan và công chức Hải quan phải tìm hiểu, học tập các nội dung trong hướng dẫn Hải quan xanh và triển khai, thực hiện các nội dung của các công ước quốc tế, các hiệp định đa phương về môi trường và các quy định pháp luật liên quan thông qua các trang web và tài liệu liên quan...

Năm 2022, dự báo nền kinh tế có thể đạt 8%; trong đó, dự báo số thu ngân sách của cả ngành Thuế, ngành Hải quan đều vượt dự toán, kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo đạt 800 tỷ USD... đây là công sức, nỗ lực cố gắng của toàn ngành Tài chính, ông Bùi Thái Quang khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận vào các vấn đề như đề xuất cụ thể hóa Chiến lược cải cách hệ thống thuế, hải quan đến năm 2030; định hướng và các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, góp phần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng; chính sách và quản lý thuế, hải quan trong điều kiện kinh tế số, kinh tế chia sẻ; quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới; mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn cơ sở thuế…

Lượt xem: 22
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật