Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn là vi phạm pháp luật

Trong những ngày qua, các tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh phần đông người dân chấp hành kiểm tra nồng độ cồn thì vẫn còn nhiều tài xế không chấp hành. Đáng chú ý có đối tượng còn lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Nhiều "ma men" không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn

Cụ thể, tối 12/2, tổ công tác Y11/141 do trung tá Nguyễn Đức Huấn làm tổ trường thực hiện nhiệm vụ tại nút giao Lê Trọng Tấn – KĐT Park City (quận Hà Đông, Hà Nội), đến 20h35 cùng ngày, tổ công tác yêu cầu tài xế V.Đ.N (SN 1995, trú tại Phú Thọ) điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 30H- 484.xx dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, tài xế này không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn mà yêu cầu tổ công tác 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác.

Lúc này, Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng Tổ công tác Y11/141 giải thích cho tài xế V.Đ.N biết việc người vi phạm không được phép kiểm tra chuyên đề của tổ Cảnh sát 141 vì đây là kế hoạch mật do Công an TP Hà Nội ban hành. Nhưng tài xế N tiếp tục yêu cầu tổ công tác phải cho xem kế hoạch.

Sau đó tài xế N liên tục dùng điện thoại quay clip và phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội, kêu gọi những người khác đến chốt kiểm tra để giúp sức. Thậm chí, anh N còn dùng những người đi cùng xe gồm 2 phụ nữ và 2 trẻ em để gây sức ép với lực lượng làm nhiệm vụ.

Tổ công tác Y11/141 thực hiện kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội
Tổ công tác Y11/141 thực hiện kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

“Chúng tôi nhiều lần yêu cầu tài xế cho những người trên xe chuyển sang ô tô khác để về nhà nhưng người này vẫn yêu cầu họ ngồi cố thủ trên ô tô suốt nhiều giờ. Sự việc kéo dài đến 23h30 cùng ngày, tuy tài xế không chịu hợp tác nhưng tổ công tác vẫn kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Không chỉ vậy, tài xế N cũng không xuất trình giấy phép lái xe cho tổ công tác kiểm tra”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn cho hay.

Đến 0 giờ ngày 13/2, lực lượng chức năng niêm phong xong phương tiện và kéo xe về bãi tạm giữ. Theo Trung tá Nguyễn Đức Huấn, quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác đã thực hiện đúng quy định công tác, toàn bộ hành vi của tài xế được lực lượng CSGT ghi lại bằng thiết bị nghiệp vụ.

“Chúng tôi xử lý người vi phạm với quan điểm khéo léo nhưng kiên quyết, thực hiện đúng quy định của pháp luật để tạo tính răn đe, thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ huy tổ công tác, với việc không chấp hành đo nồng độ cồn, tài xế N sẽ bị xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Ngoài ra, người này còn bị xử phạt 11 triệu đồng vì không xuất trình được bằng lái ô tô.

Tài xế V.Đ.N không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn và yêu cầu tổ Cảnh sát 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác, dùng điện thoại livestream cản trở tổ công tác
Tài xế V.Đ.N không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn và yêu cầu tổ Cảnh sát 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác, dùng điện thoại livestream cản trở tổ công tác

Trước đó vào chiều 11/1, tổ công tác Y10/141 do Thiếu tá Phạm Văn Luyến (Phó Đội trưởng Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) làm tổ trưởng lập chốt làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn tại nút giao Nguyễn Thanh Bình - Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây tổ công tác cũng đã lập biên bản xử phạt 35 triệu đồng đối với tài xế Đ.V.H (trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của tổ công tác 141.

Đáng chú ý, khoảng 21h41’ ngày 11/2, Tổ công tác Y13/141 - Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên tuyến Tỉnh lộ 131, thuộc thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, tiến hành dừng xe ô tô mang BKS 30H-83xxx do Nguyễn Văn Thuần (SN 1984; ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển.

Quá trình kiểm tra, lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,028mg/1 lít khí thở. Không những vậy, tài xế đã có hành vi lăng mạ, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Ngay sau đó, tổ công tác đã khống chế đối tượng, bàn giao cho Công an thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong ngày 12/2/2023, chỉ riêng các tổ công tác 141 đã phát hiện, xử lý 37 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (vi phạm nồng độ cồn), tạm giữ 37 phương tiện; phát hiện và bàn giao 1 vụ, 1 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự cho đơn vị chức năng tiếp tục xác minh làm rõ.

Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn là vi phạm pháp luật
Tổ công tác niêm phong, cẩu phiên tiện về tạm giữ
Tổ công tác niêm phong, cẩu phiên tiện về tạm giữ

Khi được yêu cầu kiếm tra người dân cần chấp hành

Trao đổi với báo chí về việc người vi phạm đòi xem Kế hoạch, Chuyên đề kiểm tra, Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khẳng định, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng làm nhiệm vụ là vi phạm pháp luật.

“Căn cứ vào Thông tư 65, Kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đã được thông báo công khai hàng tháng, hàng tuần tại đơn vị và trên Cổng thông tin của Công an TP Hà Nội. Vì vậy, các tổ tuần tra kiểm soát thực hiện nhiệm vụ là hoàn toàn đúng quy trình công tác”, Thiếu tá Đào Việt Long thông tin.

Trao đổi về những quy định pháp lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, theo quy định tại Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để tuần tra, kiểm soát trong các trường hợp sau:

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được phê duyệt; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác; Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi tiến hành tuần tra kiểm soát, CSGT hoàn toàn có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội

“Như vậy, CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe và thổi nồng độ cồn trong trường hợp không có chuyên đề nhưng có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác hoặc có tin báo, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện.

Khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người tham gia giao thông cần nhanh chóng chấp hành. Trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, đối với xe gắn máy, người vi phạm có thể bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng căn cứ quy định tại điểm g Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm dao động từ 30 đến 40 triệu đồng căn cứ quy định tại điểm b Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP”, luật sư Trần Xuân Tiền thông tin thêm.

Cũng theo vị Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm nồng độ cồn thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Theo đó, người nào điều khiển xe gắn máy hoặc các xe tương tự khác khi cơ thể có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililit máu trở lên có thể bị xử phạt từ 3 đến 8 triệu đồng theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự khác thì mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thấp nhất là 6 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng.

Trường hợp người bị kiểm tra nồng độ cồn nhưng lại chống đối, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng - 6 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP; Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. Trường hợp nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.

Lượt xem: 56
Tác giả: Thành Long
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật