Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Trình bày tờ trình của Chính phủ về về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 19/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành Luật Giá (sửa đổi) và bổ sung Dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Việc ban hành Luật Giá (sửa đổi) còn nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo khi có các quy định khác nhau giữa các Luật khác ban hành trước và sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Đồng thời, bổ sung 2 mặt hàng gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất. 

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp, đồng thời cụ thể hóa quy định tại Điều 8 luật hiện hành về thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, dự thảo Luật đã bổ sung chương III quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các quy định liên quan đến phạm vi sửa đổi; tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá...

Thảo luận về dự án Luật, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật và đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ theo quy định.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phạm vi sửa đổi của Luật Giá có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, liên quan đến nhiều Luật sẽ sửa đổi trong thời gian tới, vì vậy cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Lượt xem: 72
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật