Chiêu lừa đảo, chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Tài chính Vietnam Capital

Công ty cổ phần Tài chính Vietnam Capital không phải là tổ chức tín dụng, không có giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng nhưng đã tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân rồi chiếm đoạt.

Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Trọng Linh (SN 1989, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) và Trương Quốc Thái (SN 1986, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lê Trọng Linh là Chủ tịch HĐQT, còn Trương Quốc Thái là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Vietnam Capital (trụ sở chính tại Quảng Nam).

Theo Cơ quan Công an, Công ty cổ phần Tài chính Vietnam Capital không phải là tổ chức tín dụng, không có giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng, không có chức năng nhận gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, Linh và Thái đã mở các địa điểm kinh doanh tại Đà Nẵng và tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân.

Giấy chứng nhận tiết kiệm mà Công ty cổ phần Tài chính Vietnam Capital cấp cho khách hàng.

Với thủ đoạn trả lãi cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, các đối tượng đã thu hút hàng ngàn người dân trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam gửi tiết kiệm.

Thống kê ban đầu, số tiền mà các đối tượng thu của người dân đã lên đến hơn 200 tỷ đồng. Một phần số tiền huy động được các đối tượng dùng để trả lãi cho khách hàng, phần lớn còn lại các đối tượng sử dụng để đầu tư nhưng thua lỗ hoặc tiêu xài dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Được biết, Công ty cổ phần Tài chính VietNam Capital được thành lập cuối năm 2013, trụ sở chính tại tổ 7, khối phố Ngọc Vinh, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Chi nhánh của Công ty cổ phần Tài chính VietNam Capital tại 155 Điện Biên Phủ đã đóng cửa. 

Trước đó, nhiều người dân ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã có đơn tố cáo về việc Công ty cổ phần Tài chính VietNam Capital - chi nhánh Đà Nẵng tại 155 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê đã vận động, mời gọi họ gửi tiết kiệm với lãi suất cao nhưng đến kỳ đáo hạn thì không được thanh toán.

Theo người dân, sau khi gửi tiền, công ty này viết phiếu thu và cấp sổ ghi “Giấy chứng nhận tiết kiệm” và mức lãi suất tùy theo số tiền gửi, từ 9,5-12,5%/năm. Sổ này đều do ông Trương Quốc Thái ký tên, đóng dấu.

Tuy nhiên, khi đáo hạn, người dân đến chi nhánh VietNam Capital nói trên để rút gốc và lãi nhưng không được. Tổng số tiền Lừa đảo chiếm đoạt được xác định hơn 200 tỷ đồng.

Lượt xem: 6
Tác giả: Khánh Hồng
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật