Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng đã được đặt trong tình trạng báo động từ nhiều năm nay. Thế nhưng, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 vẫn tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi chỉ trong quý I/2022. Điều gì đang xảy ra?

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi trong quý I

Trẻ em, những công dân tương lại của kỷ nguyên số, được sinh ra trong thời kỳ phát triển và chấp nhập internet thành một phần tất yếu của cuộc sống. Với sự phát triển và những công cụ kết nối do internet mang lại, các em sử dụng và tiếp nhận internet giống như môi trường giao tiếp cuộc sống của mình, đó là cách thức trẻ tiếp xúc với thế giới, liên lạc với bạn bè, học tập, các trò chơi giải trí và thậm chí với các thành viên trong gia đình.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, ở các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.

Ảnh minh họa. (Nguồn: rivcosafe.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: rivcosafe.org)

Cũng theo UNICEF, trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình máy tính, ti vi. Trong thời gian này, học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên mạng Internet.

Việc dành nhiều thời gian trên không gian mạng đã dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em như: lộ thông tin cá nhân; Xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm và buôn bán trẻ em; bắt nạt trực tuyến; sử dụng quá mức và nghiện…

Đáng báo động, theo báo cáo của một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi.

Điều đáng lo ngại là số trẻ em bị xâm hại qua các năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Có thời điểm, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Theo nhận định chung, sự gia tăng này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng; một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em; Một phần nữa việc phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn nên số liệu có tăng lên.

Dù lý do gì đi nữa thì thực tế số trẻ bị xâm hại là rất lớn. Đây là những con số đau lòng và rất đáng báo động, cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa.

Chú trọng đào tạo kĩ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em

Tại hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 25/5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sang lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

Theo ông Đặng Hoa Nam, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em.

Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ. Khi trẻ ở tuổi vị thành niên thì cha mẹ phải giám sát chứ không chỉ hướng dẫn đơn thuần, thậm chí phải khóa các kênh có nội dung truyền bá độc hại, luôn làm bạn, lắng nghe, để hiểu, nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh trẻ, từ đó định hướng kịp thời.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan. Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Để tránh gặp phải những rắc rối khi sử dụng không gian mạng, tổ chức UNICEF khuyến cáo các em không làm quen và trò chuyện với người lạ; Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng; Tuyệt đối không chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm; Không chia sẻ vị trí định vị khi sử dụng các ứng dụng trên mạng; Chia sẻ với bố mẹ, thầy cô – người mà các em tin tưởng, gọi cho Tổng đài 111 về các rắc rối mà em gặp phải để được tư vấn, trợ giúp; Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác...

Để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ cần các cơ quan chính phủ mà cần sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức (UNICEF, Worldvisison, Childfund, MSD….), doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mỗi đơn vị, mỗi cá nhân đều đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cá nhân, cộng đồng trong việc tự bảo vệ con em mình khi tham gia môi trường mạng.

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng.

Trên tất cả, gia đình, nhà trường... phải là những “bức tường lửa” để giúp trẻ đứng vững trước những cám dỗ của thế giới mạng.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt website mạng lưới, ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mục đích truyền thông, lan tỏa các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ website: https://vn-cop.vn.

 

Lượt xem: 96
Tác giả: Ánh Dương
Tin liên quan