Băng nhóm tội phạm nước ngoài tấn công hệ thống ngân hàng Việt Nam

(VNF) - Đây là thông tin được Bộ Công an cung cấp trong báo cáo mới được gửi đến Uỷ ban Thường vụ quốc hội.

Bộ Công an cho biết, liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...

Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước.

Công an đã phát hiện các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được các đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp.

Khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khoá mạng, xoá dữ liệu trong tài khoản cá cược; việc trao đổi, bàn bạc chủ yếu thông qua điện thoại thường xuyên đổi số, sử dụng sim rác, hoặc qua mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên nền tảng di động có tính bảo mật cao; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của Internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc…

Nhiều hình thức đánh bạc hoạt động truyền thống có xu hướng sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài...;

Với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trong đó, nổi lên với các thủ đoạn như: thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản... hoặc kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo.

Bên cạnh đó là các thủ đoạn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

Đáng chú ý là, tội phạm thường lợi dụng hoạt động cho vay trên mạng, nhất là vay ngang hàng (P2P Lending) hoặc cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác để tạo cớ dẫn dụ nạn nhân vay tiền, cam kết thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, với lãi suất lên tới 90% -100% nhằm chiếm đoạt tiền;

Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp sim điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội.

Ngoài ra, có tình trạng giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước, bảo hiểm xã hội, tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt…

Lượt xem: 46
Tác giả: Ngọc Sơn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật