Trải nghiệm Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình. Với mong muốn tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, ngày 21/6, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày, diễn giải một cách có hệ thống các nghi lễ của hoàng cung trong ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê.
Theo đó, nhiều phong tục độc đáo, nghi lễ của cung đình sẽ được tái hiện tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.
Cụ thể, chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” gồm 2 hoạt động chính là trưng bày và thể nghiệm nghi lễ cùng với không gian check-in lung linh, cổ kính. Qua hệ thống pano, tranh vẽ, đặc biệt là phỏng dựng không gian cung đình, công chúng sẽ hiểu thêm về các nghi lễ của hoàng cung trong ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê.
Không gian Tết Đoan Ngọ cung đình xưa tại Hoàng thành Thăng Long năm 2020 |
Ngoài ra, khu trưng bày Tết Đoan Ngọ truyền thống thường niên sẽ thể hiện những phong tục độc đáo của người dân kinh thành Thăng Long xưa, như tục đeo túi thơm, buộc chỉ ngũ sắc, bôi hùng hoàng cho trẻ em; Tục hái lá thuốc vào giờ ngọ, tục kết ngải hình con giáp... thông qua việc tái hiện hình ảnh thu nhỏ của phố Hàng Quạt, Hàng Thuốc.
Đến với chương trình, du khách còn được nghe những câu chuyện về phong tục “diệt sâu bọ” của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết. Những bí quyết nghề làm quạt đầy tính hấp dẫn, khéo léo và tinh tế của nghệ nhân Lân Tuyết.
Điểm nhấn trong không gian trưng là bộ sưu tập quạt mang phong cách quạt the đặc sắc của gia đình nghệ nhân Lân Tuyết. Đây là một dòng quạt quý, cao cấp thường dành cho các tầng lớp vua chúa, quan lại, quí tộc xưa.
Đặc biệt, vào ngày 21/6 (mùng 4/5 Âm lịch), trong chương trình khai mạc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long thực hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế; Bên cạnh đó là nghi lễ ban quạt. Đây là 2 trong 4 nghi lễ Tết Đoan Ngọ quan trọng của triều đình thời Lê Trung hưng.
Trong những lần trò chuyện về Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, GS sử học Lê Văn Lan từng dẫn chứng trong sử sách để khẳng định: Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các nghi thức tế lễ được tổ chức ở Thái Miếu và điện Chí Kính.
Lễ ban quạt cho các quan được tổ chức thể hiện quyền uy của bậc thiên tử. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ân điển ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban “phúc lành, sức khỏe, bình an”.