Thơ Phạm Quốc Cường: Có một tình yêu sâu đậm!
Phạm Quốc Cường không nhận mình là nhà thơ, ở anh luôn khiêm tốn khi đứng trước “lâu đài” văn học. Với những gì cống hiến cho thơ ca, với 5 tập thơ đầy chất thơ về tình yêu đôi lứa, gia đình, bè bạn, quê hương, đất nước… ta có thể gọi anh là nhà thơ của những điều dung dị nhất. Có thể nói rằng, Phạm Quốc Cường đã cho người đọc thấy được tình yêu bất tận của anh trong thi ca.
Nhà báo Phạm Quốc Cường |
Tô đẹp thêm cho tình yêu đôi lứa
Thơ viết về tình yêu đôi lứa của nhà thơ Phạm Quốc Cường đa dạng, tiếc nuối có, hạnh phúc có, đau thương có. Và ở sắc thái nào của tình yêu, tác giả cũng cho thấy cái mãnh liệt của con người khi yêu: “Anh dãi dầm nắng gió / Gõ cửa em tim hồng” (Gió thu vàng). Hình ảnh nắng gió để nói lên cái cực nhọc của anh trong tình yêu. Anh phải dãi dầm trong đó để được gõ cửa, chạm vào trái tim em. Màu hồng là màu của đẹp đẽ nên thơ, và cũng là hình ảnh để nói về em, cô gái hiền dịu, trong sáng.
Đọc thơ tình của Phạm Quốc Cường, chúng ta bắt gặp lại những câu thơ tình yêu mang dấp của Xuân Diệu, của Vũ Hoàng Chương, vừa nhẹ nhàng, có lúc mạnh liệt. Có thể nói rằng, trong nhiều bài thơ viết về tình yêu, thì bài “Khi yêu rồi” là một bài thơ thành công của anh. Ở bài này, cho thấy nhân vật anh là người hiểu sâu sắc về tình yêu, chính vì hiểu quá nên anh đau khổ, nhưng dù có đau khổ thì anh cũng phải thốt lên rằng: “Khi yêu rồi em đừng tiếc ngày qua / Bởi nhành hoa vẫn còn hương tỏa sắc / Dù thời gian khiến đôi lần trở trắc / Ôm sâu tình trong lắng đọng hư vô”.
Khổ thơ đầu trong bài thể hiện sự lạc quan trong tình yêu. Khi yêu, đang yêu, biết yêu là điều hạnh phúc nhất của con người. Nên khi ta dành thời gian, công sức cho nó thì đừng nên tiếc nuối. Đó là những kỷ niệm đẹp nhất dù có đau khổ hay hạnh phúc. Nhà thơ cũng cho ta thấy rằng, mọi cung bậc cảm xúc của con người thì cứ luôn thất thường, đổi thay như vậy, dù có sầu, thì hoa vẫn thơm, vẫn khoe sắc. Vậy thì ta cứ yêu đi, dù có trở trắc, dù cuộc đời là vô thường, hư vô.
Khổ hai trong bài, anh khuyên em: “Khi yêu rồi em đừng buồn vu vơ / Hãy làm thơ và mơ chân trời đẹp / Không gán ghép yêu thương hay cô hẹp / Ép tương lai bằng đôi mắt tỏa đớn hèn”. Nhân vật anh thật buồn cười, thương yêu em đến mức, khuyên em đừng “buồn vu vơ”. Con người ta làm sao có thể tránh đi được những nỗi buồn được. Nhưng trong tình yêu là thế, đối phương luôn muốn làm cho người mình yêu những điều phi thường, và cũng luôn đưa ra những lời yêu thương quá mức, mà người ngoài nghe được, tưởng như không tưởng và buồn cười.
Nhà thơ Phạm Quốc Cường cũng cho thấy mình là người chọn một tình yêu tinh khiết. Khi đã yêu ai thì hãy yêu thật lòng, yêu ở phút giây này, nghĩ gì về tương lai sẽ có lợi ích gì về tình yêu đó; nếu như vậy, thì ta sẽ biến đôi mắt thành “đôi mắt toả đớn hèn”. Suy nghĩ ở phút giây hiện tại, yêu thương ở phút giây hiện tại, cũng là cách sống mà sinh thời Thiền sư - nhà thơ Thích Nhất Hạnh luôn nói đến.
Cùng một cách nghĩ đó, anh lại khuyên em: “Đừng nên dỗi rồi vội buông trăn trối”. Khi yêu thì làm sao mà tránh được sự hờn dỗi. Ở đây, ta thấy nhà thơ như chạm đến bút pháp phi lý. Cũng bởi từ yêu quá đỗi mà ra. Đối với tình cảm của anh trong thơ Phạm Quốc Cường, ta còn thấy đó là một tình yêu bất diệt, dù mối tình đó không có kết quả tốt đẹp: “Và nếu nhỡ ngày mai mình tan vỡ/ Anh vẫn chờ vẫn nhớ thuở còn yêu!”.
Tình yêu của anh không chỉ biết chờ, mà còn đó là sự tiếc thương, tưởng nhớ: “Em về mây trắng êm trôi / Để ai ngồi ngắm tình rơi vội vàng” (Trăng canh ba). Bút pháp nói qua cũng được Phạm Quốc Cường sử dụng trong bài “Trăng canh ba” với câu “Vắng em sao cũng chẳng vàng”. Ở câu này, ta thấy nhà thơ có sự học hỏi và phát triển từ những câu ca dao của dân tộc.
Trong đời sống hiện đại, dường như tình yêu của đôi lứa đã bớt thơ mộng, bớt “ngơ ngác” hơn. Nhưng trong thơ Phạm Quốc Cường thì khác, nhà thơ vẫn để cho nhân vật anh, nhân vật em vẫn như “Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư), đó là sự chờ đợi, là ngóng trông, là tôn thờ: “Hôm nay em thấy rối bời / Rạng ngời nỗi nhớ xa xôi vẫn chờ / Tình yêu em vẫn tôn thờ / Chờ anh dẫn lối tình mơ miệt vườn” (Miệt vườn). Anh sử dụng cụm từ “rạng ngời nỗi nhớ” thật hay, và lạ.
Nỗi nhớ được nhà thơ thấy nó phát sáng lên. Mà ánh sáng thì luôn biểu hiện cho cái đẹp. Ở thơ tình Phạm Quốc Cường, ta thường xuyên bắt gặp những câu thơ hay, câu thơ dịu dàng như vậy. Và trong mảng thơ tình, nhà thơ Phạm Quốc Cường cho thấy mình là người dồi dào sức viết, không chịu thua kém bất kỳ nhà thơ nào. Anh hồn nhiên viết, hồn nhiên đẩy nhân vật em và nhân vật anh vào sự ngọt ngào của tình yêu, dù cái kết là tan vỡ, là bi thương. Và dù có thế nào, thì khi đọc thơ tình Phạm Quốc Cường, ta thấy được rằng, anh đã tô đẹp thêm cho tình yêu.
Chiêm nghiệm sâu sắc sự đời
Phạm Quốc Cường luôn khiêm tốn chỉ nhận mình là người yêu thơ, dù anh đã có “gia tài” văn học là 5 tập thơ đã xuất bản. Ở ngoài đời, khi nói chuyện, Phạm Quốc Cường luôn thể hiện cho người nghe thấy rõ được ý chí làm người tử tế, làm báo chân chính của mình. Anh luôn hướng đến những “đỉnh núi” để vượt qua, dù có lúc vấp ngã, hoặc may mắn không bị thương tích gì, để mong nhìn bao quát đồng xanh, biển trời, sông nước, cõi người. Đó là cách sống luôn biết vươn lên của anh.
Sự đời trong thơ Phạm Quốc Cường hiện lên rõ nét, bên cạnh mảng thơ tình của anh. Những câu thơ viết về đời được rút ra từ bài học cuộc sống, nghề báo của anh. Những câu thơ như những triết lý nhân sinh, như sự phản tỉnh, cảnh tỉnh mọi người. Những câu thơ khiến người đọc phải nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại mọi người xung quanh. Rồi cách ứng nhân xử thế thế nào cho phải đạo, phải lẽ đời.
“Ở đời nên biết phân trình / Tình đời cũng vậy oai khinh hại người / Thế gian ban tặng nụ cười / Ban kèm nước mắt cho người oán than / Gạt đi trăm sự lan man / Can trường chia sẻ rộn vang nghĩa tình”. Những câu thơ vừa trích trên trong bài “Tình đời” như là những lời nhắc nhở người đọc hãy biết sống sao cho “rộn vang nghĩa tình”. Trong bài này, Phạm Quốc Cường cũng nói về bốn cái chết của con người: “Một là cái chết vô minh / Hai là cái chết thình lình trên cao / Ba là cái chết Chúa trao / Bốn là cái chết trời cao niệm tình”. Bốn câu thơ này như tóm gọn được cái diệt của con người.
Có cái chết mà khi con người chết rồi vẫn không buông bỏ được tham lam, không tránh được cái xấu, cái ác, trong nhà Phật gọi là vô minh, như nhà thơ đã dẫn trong bài. Có cái chết bất chợt, như cái chết của kẻ bị tai bay vạ gió, cái chết thình lình. Có cái chết được Chúa trao, có cái chết “trời cao niệm tình”. Có lẽ khi viết bốn câu thơ này mở đầu cho bài “Tình đời”, Phạm Quốc Cường sầu não, suy tư lắm!?
Không những nói lên triết lý sinh tử, Phạm Quốc Cường còn “đọc vị” được hậu quả ở những nơi có kẻ tiểu nhân, có kẻ bất minh, đó là những kẻ sống tham tàn, phản bội tình nghĩa, mà đối với nhà thơ, thì nơi đó sẽ dẫn đến đau thương: “Ở đâu có kẻ bất minh / Tiểu nhân thụ lộc lửa kinh cháy nhà”.
Cũng là bài thơ có chữ “đời” trong bài “Sống đời”, một lần nữa, Phạm Quốc Cường nói lên được cái tình, cái nghĩa. Khi tình nghĩa đều đầy ắp trong một người, thì người đó chắc chắn có cuộc sống bằng an: “Sống đời phải biết yêu thương / Đo lường nhân nghĩa vấn vương chút tình / Anh em ta muốn thanh bình / Lòng như biển cả khối tình đại dương”. Những câu thơ này còn thể hiện cho tấm lòng rộng mở, kết nối mọi người của anh.
Trong bài “Làm người”, nhà thơ càng thể hiện rõ hơn cái ý chí muốn cho con người sống tốt, sống lương thiện hơn. Anh có sự quan sát sát sao đối với đời. Chính vì thế, anh thấy: “Người tốt ngồi vào ghế quan / Không ham tư lợi gian nan với đời / Kẻ xấu thì lại vẽ vời / Đan tâm thêu dệt những lời độc cay / Nhân sinh vạn vật vuông tày / Mưu toan vạn bước trời đày chết non”. Những câu thơ đọc lên khiến người đọc nhận diện được cuộc đời rõ ràng hơn; cũng như khiến người đọc phải biết sợ, nếu như người đó sống mưu toan, hại người.
Cùng với đó, Phạm Quốc Cường cũng nói rằng, người tốt sẽ nhận được kết quả tốt đẹp như thế nào: “Ai mà tâm tốt trí tài/ Được hàng danh đức vươn dài đại dương”. Đó cũng là triết thuyết nhân quả trong nhà Phật hằng nhắc. Và đối với anh, người sống tốt không những mang điều tốt cho mình, mà còn mang điều tốt đến với mọi người, mà ở đây là dân. Khi đã làm điều tốt cho dân, thì không còn điều gì đáng tự hào, đáng vui hơn: “Hôm nay ta gửi nỗi niềm / Động viên nhân đức nối liền tình than / Sống cho dân thấy dân cần / Dân thờ dân nhớ bội phần ta vui”. Và ở phần thơ này, ta thấy Phạm Quốc Cường dường như có sự học hỏi từ thiên tài Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được ví như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc (Trung Quốc).
Tấm lòng sâu nặng với quê hương đất nước
Thơ Phạm Quốc Cường len lỏi vào mọi chủ đề của đời sống. Thơ về quê hương, đất nước, về nỗi lo chung với cộng đồng cũng được anh thể hiện khá thành công. Như khi viết về đất nước, anh thể hiện trong bài “Cảm xúc ngày độc lập”. Ngày này hiện lên với hình ảnh Bác Hồ kính yêu, và tình đoàn kết cả dân tộc: “Giữa thủ đô trái tim cả nước / Bác Hồ ngân giọng đọc tuyên ngôn / Mùng hai tháng chín chiều hôm ấy/ Một chín bốn lăm rất hào hùng / Sáng lạn khắp nơi mừng độc lập / Tết của tự do khắp nước nhà/ Con dân nước Việt cùng chung sức / Đoàn kết tiến lên xây hoà bình / Nghĩa tình bền chặt hòa thân ái / Gói ghém niềm riêng tỏ lòng thành / Trang hoàng non sông càng tươi đẹp / Nhân dân vui thỏa sống chan hòa”.
Ta thấy những câu thơ của anh như những lời nói thường nhật, giản dị. Nhưng thơ ca là vậy, không phải lúc nào cũng có thể trau chuốt được. Và không phải lúc nào thơ ca được trau chuốt thì đó mới là thơ hay. Ngay cả trong Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du, ta cũng gặp những câu thơ kể giản dị, giản dị một cách xuất thần, tự nhiên như hơi thở. Và hôm nay, những câu thơ giản đị đó vẫn găm sâu vào trí nhớ người đọc, và có lẽ là mãi như vậy.
Trong bài “Nỗi nhớ”, cảnh đất nước hiện lên tươi xinh, khi anh vẽ lên một hồ Lăk, Buôn Mê Thuột tuyệt đẹp: “Lênh đênh sóng nước trời thơ / Thuyền anh độc mộc dạo hồ Lăk chơi / Ở nơi cảnh đẹp mê người / Ngàn lời yêu mến ru hời con tim / Cảnh đẹp như muốn lặng im / Nhường cho quý khách đi tìm ước ao”. Đó là những câu thơ lục bát ngọt ngào, vừa quen, vừa lạ. Nhà thơ mặc quên đi công danh sự nghiệp, chẳng cần nhớ gì khác, chỉ cần lặng im ngắm hồ Lắk, mọi ước ao với đời, anh nhường cho người khác. Đó cũng là lối sống tự nhiên mà dường như Lão Tử cũng từng nhắc nhở chúng ta như vậy.
Và khi ở Hà Nội, thấy quê nhà (Nghệ An) bị ngập lụt, nhà thơ như nghẹn ngào, trào dâng nước mắt. Anh thổn thức viết những câu thơ, như những giọt nước mắt không ngừng chảy: “Trắng trời mưa trút nước / Ngập cả quê tôi rồi / Người trong nớ ngậm ngùi / Chùi nước mắt chảy vội / Dân tôi lạy ông trời / Xin thôi đừng mưa nữa / Cả một rựa cánh đồng / Bỗng chốc thành biển nước” (Mong lũ qua). Nhà thơ đã đau cùng người dân, đã khóc cùng người dân.
Chính vì đớn đau không dừng được, mà thể thơ 5 năm chữ là thể thơ gần với đồng dao, gấp gáp, ra đời một cách tự nhiên như vậy. Anh thấy: “Trùng dương nước phập phùng / Thi nhau hò chảy xiết / Dân quê tôi mải miết / Chạy lũ quên cửa nhà / Giờ tất cả kêu la / Nhà ta giờ ngập nặng / Cả xóm nay chìm lắng / Con nước ập liên hồi / Người già ngồi thất thểu / Kêu thấu tận trời xanh / Lũ trẻ thì hớ hênh / Nhìn lũ vần mà tiếc / Cảnh ruộng đồng xanh biếc / Lũ ngập hết mất rồi / Nhiều đồ vật cuốn trôi / Than ôi bao tài sản”. Có lẽ bài thơ “Mong lũ qua” là bài thơ hiếm và hay khi viết về lũ. Nó chạm trực diện vào trái tim người đọc. Và dường như, ai đọc bài này cũng phải nghẹn ngào như chính nhà thơ.
Phạm Quốc Cường còn nhiều bài thơ hay, xúc động khi viết về quê hương, đất nước, dề đại dịch COVID-19 vừa qua. Chủ đề về mẹ, về gia đình cũng là chủ đề mà anh đã có những câu thơ gây xao xuyến cho người đọc.
Trong dòng chảy thơ ca hiện nay, nhiều tập thơ ra đời, nhiều nhà thơ nổi danh, dường như Phạm Quốc Cường không quan tâm đến điều này. Anh cũng không quan tâm đến các trường phái thơ. Có lần, anh đã nói như vậy. Anh cứ viết, cứ viết, như thác phải đổ, như mây phải bay, cần gì ai ca ngợi, cần gì tiếng khen qua đường. Anh cứ thế, âm thầm, dâng những câu thơ hay cho đời, như hoa dâng hương sắc. Phạm Quốc Cường là một người hiếm trong làng báo bởi chất thơ của mình.
Với các tập thơ đã xuất bản: Viết cho người tình mơ; Anh chờ qua trăng; Tình hoa; Tình yêu còn lại; Khúc ca tình đời. Ngoài ra, Phạm Quốc Cường còn là tác giả của các bài hát: Khúc hát phóng viên; Hoa sữa và em; Anh chờ qua trăng; Gương sáng Pháp luật Việt Nam; Tuyến đầu vang mãi niềm tin; Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch; Thắng đại dịch này ta mở tiệc vàng thật sang; Tuyến đầu sự sống hồi sinh; Việt Nam sáng ngời tình yêu… Nhà báo Phạm Quốc Cường (bút danh: TQC, QM, Quốc Đô, Quốc Minh) - Anh hiện là Trưởng ban Pháp luật Bạn đọc, Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) sinh năm 1980, quê quán ở Nam Đàn - Nghệ An, anh là một người đàn ông cá tính, đa di năng trong cuộc sống đời thường. Trong hơn 16 năm làm nghề báo, Bút lực của Quốc Cường lúc nào cũng dồi dào, tình cảm và chân thành, nhất là với những lời thơ mà anh sáng tác đã khẳng định được cái tâm - tài của nhà báo nhà thơ có quê hương gốc xứ Nghệ anh hùng. |