Sen ngát hương đời
Sau khi đăng bài thơ “Tơ sen kết mãi tình ta”, tòa soạn báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhận được lời bình bài thơ này của tác giả Phạm Thanh Trâm với tựa đề “Sen ngát hương đời”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tơ sen kết mãi tình ta
Riêng em mong mùa xuân qua nhanh
Chờ tháng 6 về, đón sen bừng nở
Đêm hôm nào ta thức với sao, trăng
Thời gian trôi, hương sen môi vẫn đượm…
Ta cùng nhau thăm làng sen quê Bác
Qua Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Nơi sen trắng, sen hồng, sen cốm
Khi xa rồi, cứ vương vấn tơ duyên…
Cốm Vòng dẻo ủ lá sen xanh
Em để phần anh sau chuyến dài công cán
Đợi trăng lên, thơm lừng khoảnh khắc
Xua tan bao nhung nhớ, gian nan…
Đồng Tháp tháng này hồng thắm mùa sen
Đầm nối đầm vươn dài trải rộng
Chỉ một mình anh đứng ngắm
Nỗi nhớ cồn lên, da diết, mênh mông!
Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh
Ao ước cả hai đan tay cùng dạo
Hương sen nhuộm tình ta thêm thắm
Đắm đuối mắt em giữa bát ngát trời sao
Đời có lúc, ta tạm xa nhau
Giữ mãi tin yêu như ngày nào hò hẹn
Sợi tơ sen sẽ kết bền năm tháng
Mỗi bước anh đi, vẫn có bóng hình sen!
Nguyễn Hồng Vinh
Tháng 6/2023
Lời bình
Tôi đã mấy lần đọc thơ Ông viết về sen, nhưng lần này Ông tiếp cận sen ở một góc độ khác. Ngay câu đầu, tôi có phần hơi ngỡ ngàng. “Riêng em mong mùa xuân qua nhanh!”, ngỡ ngàng vì mùa xuân là mùa của cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, mùa của lễ hội mà rất nhiều lớp người náo nức, nhất là các cặp gái trai đang độ tuổi yêu đương. Đọc 3 câu tiếp sau, tôi mới rõ sự “mong” ấy bắt nguồn từ kỷ niệm tháng 6, khi sen bừng nở thì cũng là lúc tình yêu của họ dâng tràn: “Đêm hôm nào ta thức với sao, trăng / Thời gian trôi, hương sen môi vẫn đượm…”.
Đêm hôm ấy, đôi bạn trẻ đã tay trong tay dạo bước quanh đầm sen và tận hưởng những phút giây hạnh phúc với nụ hôn trong trắng, tinh khôi quyện vào hương sen đang bung nở. Rồi sau đó, họ “cùng nhau đi thăm làng sen quê Bác”; “Qua Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên”. Năm sau, trong chuyến công tác phương Nam, mình anh đến Đồng Tháp cũng vào mùa sen thắm, những đầm sen nối nhau vươn dài, trải rộng gợi nhớ mối tơ duyên vương vấn hương sen đêm nào trên đất Hà thành.
Khổ thơ thứ 3 là nỗi khắc khoải, mong chờ. Em đã ủ cốm trong lá sen, đợi anh về cùng em thưởng lãm hương vị cốm Vòng hòa vào hương sen - một hương vị tháng 6 đặc trưng của Hà Nội. Trăng đã lên, khoảnh khắc diệu kỳ ấy, hương cốm sen xanh đậm vị ngọt ngào, nỗi nhớ được xua tan, mọi gian nan, nhọc nhằn biến mất!
Ở 2 khổ thơ tiếp theo, nhà thơ tài tình ghép hai nỗi nhớ hòa vào làm một như có sự đồng cảm khắc sâu: Ở Đồng Tháp, một mình anh đứng ngắm giữa bát ngát hương sen, một “nỗi nhớ cồn lên, da diết, mênh mông!”. Ở ngoài này, em mang cốm ngắm trăng lên, hai con tim trộn nhịp ở hai đầu nỗi nhớ!
Và cả hai đều ước mong được “đan tay vào nhau cùng dạo giữa bát ngát trời sao”. Ở khổ thơ này, tôi cảm nhận một điều sâu sắc: Tình yêu lứa đôi trong câu chuyện của ông tượng trưng cho sự tinh khôi, trong trẻo mang đậm bản sắc và văn hóa, con người Việt Nam, đang thổi hồn vào từng cánh sen giữa khoảng trời đa sắc thắm. Tình yêu ấy càng đậm sâu khi chàng trai cảm nhận “Đắm đuối mắt em” giữa thiên nhiên thơ mộng.
Ở khổ thơ cuối là một cái kết viên mãn dành cho sự thủy chung, biết đợi chờ ngày gặp mặt: “Giữ mãi tin yêu như ngày nào hò hẹn”. Sợi tơ sen chính là sợi dây kết nối hai trái tim vàng không thể rời xa, dù có lúc do điều kiện sống phải tạm xa cách. Nhưng vượt qua trắc trở, niềm tin không thể cạn vơi “Mỗi bước anh đi, vẫn có bóng hình sen!”. Và tơ sen mãi là sợi dây kết chặt tình yêu đôi lứa!
Cảm ơn Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã giúp tôi nhớ lại thời trai trẻ với một chuyện tình lãng mạn, gắn liền với “Hương sen, đất Việt”.