Ra mắt sách mới kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022), NXB Trẻ xuất bản cuốn sách "Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu" với phần Lục Vân Tiên ca diễn bản có hiệu đính, phụ bản chữ Nôm và phần luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của các tác giả Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng.
Ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, là một nhà thơ lớn của Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỷ 19. Năm 2021, ông được UNESCO cùng Việt Nam tôn vinh và kỷ niệm năm sinh/ năm mất.
Về tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu, các nhà nghiên cứu xếp ông bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát...
Cuốn sách được xuất bản nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu |
Trong bài viết "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc" trên Tạp chí Văn học (tháng 7/1963), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: "Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy".
Tác phẩm "Lục Vân Tiên" là truyện thơ nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhất của ông. Trong cuốn sách mới nhất về danh nhân này, độc giả phổ thông có thể đọc cuốn sách này để ngâm ngợi và thưởng thức truyện thơ "Lục Vân Tiên" được trình bày đẹp, chỉn chu; Những nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều chú thích dị bản về các từ ngữ trong các câu thơ, mở rộng vốn từ và nhiều cách hiểu thú vị về văn hóa một thời.
Hành trình khó khăn nhưng cần thiết
"Lục Vân Tiên" là truyện thơ Nôm có đời sống gắn liền không chỉ với lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ, mà các khái niệm trung hiếu, nhân nghĩa, thủy chung, hiếu học... thông qua tình tiết truyện và các nhân vật đã trở thành một phần cốt cách của cư dân xứ này.
Giá trị nghệ thuật của "Lục Vân Tiên" tồn tại qua gần hai trăm năm cho thấy nhiều tầng ý nghĩa và nhiều phương diện tác dụng. Trong điều kiện thất lạc tài liệu gốc từ thủ bút tác giả, việc cố gắng tìm về một bản văn có độ tin cậy cao, được xem là “gần với bản gốc nhất” là hành trình khó khăn nhưng cần thiết.
Phần 1 "Lục Vân Tiên Ca Diễn" trong tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu chứa bản hiệu đính Lục Vân Tiên và phụ bản chữ Nôm được xem là “gần với bản gốc nhất” - gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm.
NXB Trẻ in lại nguyên văn từ bản sách rất công phu "Lục Vân Tiên" - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (thuộc Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa) ấn hành năm 1973 của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (vốn được thành lập năm 1971 tại Sài Gòn) và chỉ sửa đôi chỗ chính tả cho hợp với quy tắc hiện hành.
Xuất phát từ thực tế là trong dân gian đang lưu hành “các bản Truyện Lục Vân Tiên khác nhau rất nhiều”, Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã hiệu đính quyển "Lục Vân Tiên" với ý tưởng “tái bản một quyển Lục Vân Tiên thật gần với nguyên tác” lại hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa, nhất là với giới học thuật.
“Trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854 lúc Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi, bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng đông 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách "Lục Vân Tiên" - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là sự kiện đáng kể” - trích từ lời giới thiệu in trong sách "Lục Vân Tiên" và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của NXB Trẻ.
Phần "Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu": Bao gồm các công trình nghiên cứu và bài viết của năm tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Vần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng cung cấp cái nhìn giá trị và độc đáo về tác phẩm và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, góp phần giúp bạn đọc ngày nay có thêm cái nhìn tham khảo.