NSND Quốc Hưng kể chuyện tình yêu thời chiến bằng âm nhạc
“Lá thư trong ba lô” là sản phẩm MV ca nhạc mới nhất mà nhạc sĩ Kiên Ninh và NSND Quốc Hưng vừa ra mắt công chúng.
Xuất phát từ câu chuyện có thật về lá thư tình không kịp gửi của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa, phải 34 năm mới đến tay người nhận mà Kiên Ninh tình cờ biết được đã chạm vào cảm xúc của anh và chàng nhạc sĩ sinh năm 1979 - cùng năm mà người chiến sĩ trẻ đã hy sinh trong khi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của những chàng trai là chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc. Để rồi, “Lá thư trong ba lô” ra được ra đời.
Tái hiện câu chuyện lá thư tình 34 năm thất lạc của người liệt sĩ
Điều đặc biệt, phần ca từ của bài hát "Lá thư trong ba lô" được nhạc sĩ Kiên Ninh dựa trên chính nội dung lá thư của người chiến sĩ đã ngã xuống hơn 4 thập kỷ trước. Chia sẻ về việc tái hiện lá thư bằng âm nhạc, nhạc sĩ Kiên Ninh cho biết: Đã từ lâu, anh ấp ủ muốn viết một ca khúc trữ tình cách mạng về tình yêu của người lính trong chiến tranh. Quá trình tìm hiểu trong kho tàng những kỷ vật chiến tranh, anh có cơ duyên tìm thấy bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa.
NSND Quốc Hưng (bên phải) và nhạc sĩ Kiên Ninh |
“Đây là một bức thư tình rất lãng mạn và xúc động mà người lính Nguyễn Thái Hòa gửi về cho người yêu, người vợ sắp cưới trước lúc lên đường đi chiến đấu. Đằng sau bức thư là một câu chuyện dài đầy bi tráng.
Lá thư được viết ngày 19/2/1979 vẫn để trong ba lô chưa kịp gửi thì 2 tuần sau anh Hòa đã ngã xuống vào đúng khoảng thời gian hai người dự định tổ chức lễ thành hôn (tháng 3/1979). Lá thư đó vẫn nằm trong cuốn sổ để trong ba lô và phải đến 34 năm sau mới vô tình được phát hiện ra”, nhạc sĩ Kiên Ninh bày tỏ.
Là một lá thư tình rất lãng mạn, nhưng những dòng chữ của liệt sĩ Nguyễn Thái Hà đồng thời cũng thể hiện được tinh thần và lý tưởng cách mạng của thế hệ cha anh đã sẵn sàng gác lại tình riêng, chấp nhận hy sinh xương máu cho hòa bình độc lập và vẹn toàn của đất nước.
Những lời thư và câu chuyện bối cảnh của lá thư cũng như hành trình trở về của “lá thư kỷ vật” đã gây xúc mạnh mẽ và tạo nên năng lượng, cảm xúc để nhạc sĩ Kiên Ninh có thể viết nên ca khúc “Lá thư trong ba lô”. Anh mong muốn kể lại câu chuyện tình lãng mạn mà bi tráng này cho mọi người nghe bằng âm nhạc.
Hình ảnh trong MV "Lá thư trong ba lô" |
Kiên Ninh vẫn được biết đến là một nhạc sĩ có khả năng sáng tác rất nhanh nhưng ở ca khúc “Lá thư trong ba lô”, anh phải mất khoảng 1 năm mới có thể hoàn thành. Bởi khi viết về các anh hùng liệt sĩ, anh muốn chăm chút, kỹ càng từng giai điệu, từng lời ca.
“Ca khúc có 2 lời dẫn dắt thành một câu chuyện. Trong khi lời 1 là nội dung chính của bức thư thì lời 2 mở rộng hơn về những quan điểm, tinh thần của giới trẻ đối với đất nước, vận mệnh đất nước. Đó cũng như là lời tuyên ngôn về lý tưởng cách mạng cao cả của bao lớp thế hệ các anh đã hiến dâng cho Tổ quốc”, Kiên Ninh cho biết thêm.
Hát bằng tâm thế của người trực tiếp cảm nhận chiến tranh
Nhạc sĩ Kiên Ninh chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu viết ca khúc, anh đã nghĩ đến NSND Quốc Hưng. Anh tin và biết giọng hát NSND Quốc Hưng có thể chuyển tải được hết tinh thần của ca khúc tới công chúng.
Hơn nữa, đây cũng là giọng hát có sức truyền tải, lan tỏa mạnh mẽ ở chủ đề và màu sắc âm nhạc này. Câu chuyện tình lãng mạn mà bi tráng bằng âm nhạc của Kiên Ninh đã được NSND Quốc Hưng cất lên da diết, tình cảm mà không bi lụy, thấm vào lòng người nghe.
Là một nghệ sĩ tên tuổi gắn với nhiều ca khúc cách mạng, từng thể hiện rất nhiều bài hát đề tài chiến tranh, nhưng khi hát “Lá thư trong ba lô”, NSND Quốc Hưng vẫn có được những cảm xúc rất mới mẻ.
“Tác phẩm của Kiên Ninh dù viết về chiến tranh nhưng vẫn có nét nhạc, giai điệu mang hơi thở, màu sắc hiện đại. Câu chuyện đã xảy ra hơn 40 năm, nhưng được Kiên Ninh viết theo cách mới hiện nay, thể hiện rõ hơi hướng sức trẻ trong âm nhạc hiện đại.
Đặc biệt, ở ca khúc này, Kiên Ninh chủ động viết giai điệu cho giọng hát của tôi, quãng lên xuống phù hợp. Bài hát này thực sự rất chỉn chu cả về âm nhạc lẫn phần lời, phần hát, hòa âm phối khí”, NSND Quốc Hưng cho biết.
Người nghệ sĩ đang đảm nhận vai trò Trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ thêm: "Năm 1979, khi người chiến sĩ chủ nhân lá thư hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quốc Hưng đã 9 tuổi.
Nhà tôi khi đó ở ngoại thành Hà Nội, gia đình cho tôi đi sơ tán. Tôi còn nhớ mẹ lấy áo, thêu tên và địa chỉ của tôi trên áo và đưa đi. Đi được gần một ngày, không nhớ đi đâu, thì nhận được lệnh quay trở về, vì Hà Nội đã an toàn…”.
Trong khi bố của NSND Quốc Hưng cũng là một chiến sĩ cách mạng, đã hy sinh và một mình mẹ anh chăm lo gia đình nhà chồng, tần tảo nuôi 4 người con ăn học thành người. Cũng bởi vậy, khi được nhạc sĩ Kiên Ninh chia sẻ câu chuyện lá thư thất lạc 34 năm của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa, anh càng thấy ngấm hơn bao giờ hết và anh hát “Lá thư trong ba lô” cũng thêm sâu lắng hơn…
Như được anh linh liệt sĩ phù hộ
Để “Lá thư trong ba lô” đến gần với công chúng hơn, nhạc sĩ Kiên Ninh quyết định thực hiện MV với sự tham gia của đạo diễn Anh Quân. Câu chuyện MV tái hiện một quãng đời của người lính trẻ, từ những giây phút hạnh phúc ngọt ngào bên người yêu cho đến khi lên đường ra trận, rồi hy sinh trong vòng tay đồng đội. Lá thư anh viết cho người vợ sắp cưới sau mấy chục năm trời mới đến được tay gia đình anh…
Thách thức của đạo diễn Anh Quân là làm sao để truyền tải được với khán giả đây là một câu chuyện có thật nhưng cũng phải khéo léo xử lý nội dung vừa bám sát câu chuyện vừa mang tính điện ảnh để khán giả dễ đón xem cũng như cảm nhận được chân thực.
Điểm nhấn đặc biệt nhất được đạo diễn tập trung là khắc họa hình ảnh một chiến sĩ tuổi 20 vừa có sự hồn nhiên ngây thơ nhưng vẫn kiên cường bất khuất, sẵn sàng gác chuyện tình cảm cá nhân, quên mình vì Tổ quốc…
Đạo diễn Anh Quân chia sẻ, có rất nhiều khó khăn khi thực hiện một MV đề tài chiến tranh, từ bối cảnh, trang phục, tái dựng lại những sinh hoạt, hành quân hay chiến đấu của chiến sĩ bộ đội. Anh cùng ekip đã cố gắng “liệu cơm gắp mắm” để có những cảnh quay như mong muốn. Nam đạo diễn cũng tiết lộ, trong quá trình thực hiện MV, có một kỷ niệm đáng nhớ là khi quay cảnh NSND Quốc Hưng đến viếng mộ chiến sĩ Nguyễn Thái Hòa.
Do thời gian mọi người chỉ sắp xếp được một ngày mà vào đúng hôm đó trời âm u mưa gió, trên hành trình đến nghĩa trang liệt sĩ ekip hết sức lo lắng. Nhưng có lẽ công việc của cả ekip làm là tri ân những người chiến sĩ nói chung và chiến sĩ Nguyễn Thái Hòa nói riêng nên được phù hộ, khi bấm máy trời quang mây tạnh và khi đóng máy thì trời lại mưa…
MV “Lá thư trong ba lô” cũng đánh dấu lần hợp tác đầu tiên của đạo diễn Anh Quân và NSND Quốc Hưng. “Tôi khá bất ngờ khi thấy NSND Quốc Hưng làm việc rất chuyên nghiệp và hòa đồng. Những thông tin tôi muốn anh diễn hầu như chỉ nói một lần và quay một lần là xong. Các tuyến nhân vật khác trong MV cũng thể hiện rất tốt phần diễn của mình”, đạo diễn Anh Quân nói.
Về điều này, NSND Quốc Hưng cho biết, anh xuất thân là một diễn viên Chèo, từng được đào tạo cơ bản về diễn xuất nên việc hóa thân vào nhân vật không phải là việc khó khăn với anh, đạo diễn nói ra ý tưởng là anh diễn được luôn, không phải quay nhiều lần. Mặt khác, anh cũng đánh giá sự chuyên nghiệp của đạo diễn Anh Quân, còn trẻ nhưng rất giỏi, biết tạo cảm hứng cho diễn viên.
Khơi gợi lòng tự hào, tự tôn đối với thế hệ trẻ
Trong quá trình viết ca khúc cũng như thực hiện MV “Lá thư trong ba lô”, nhạc sĩ Kiên Ninh đã nhiều lần về thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa ở Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định, thắp hương cho anh. Anh bày tỏ, ca khúc và MV này chính là lời tri ân của những người đang được sống trong hòa bình muốn gửi tới các thế hệ cha anh - những con người với lý tưởng anh hùng cách mạng cao cả thiêng liêng, không tiếc máu xương, đã tạc nên những tượng đài, đã hóa nên những bản hùng ca bất diệt trường tồn cùng non sông đất nước.
Một điều mà Kiên Ninh cho rằng nó cũng là cái duyên kết nối giữa anh và liệt sỹ. Đó là năm sinh của nhạc sĩ cũng là năm liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa viết lá thư, năm 1979. Đến nay đã hơn 4 thập kỷ, nhạc sĩ Kiên Ninh tin “Lá thư trong ba lô” vẫn còn đủ sức hấp dẫn khán giả trẻ hôm nay: “Câu chuyện chúng ta đang kể chính là trách nhiệm của chúng ta - những người của thế hệ chuyển tiếp được sống trong hòa bình.
Chúng ta cần khơi gợi lòng tự hào về truyền thống yêu nước cũng như lòng tự tôn dân tộc đối với các thế thệ trẻ. Tôi tin giới trẻ sẽ tiếp nhận và cảm nhận được, bởi đó đã là truyền thống và tinh thần của người Việt Nam ta”.