Ngược dòng lịch sử xem cha ông "thương mại hóa" nghệ thuật

“Ả Đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” là cuốn sách giúp độc giả ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách "thương mại hóa" một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào để lấy làm bài học kinh nghiệm cho xây dựng công nghiệp văn hóa ngày nay.

Loại hình nghệ thuật cổ truyền

Ngày 1/10/2009, UNESCO đã chính thức ghi danh nghệ thuật Ca trù của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Trước giờ phút đó, trong đời sống âm nhạc, hẳn ít ai biết được rằng trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc có sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật mang tên Ca trù.

Cũng không mấy ai biết rằng nó vốn có tên Ả đào, Cô đầu, Hát Ca công, Hát nhà tơ... Còn trong cung vua phủ chúa danh giá thời xưa, nó được gọi là Hát cửa quyền.

Ca trù hay Ả Đào - di sản nghệ thuật

Ca trù hay Ả Đào - di sản nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam

Ngược dòng lịch sử trở về nửa đầu thế kỷ 20, Ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất, bao phủ khắp các vùng từ miền Bắc trở vào cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang đến nửa sau của thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi này đã chấm dứt.

Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Ả đào biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội.

Trong giới những nghệ nhân cao tuổi cuối cùng của loại hình này, vẫn thấy lan truyền câu chuyện than phiền, rằng đào kép trẻ theo Ca trù hiện nay phần lớn đều “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Điều này dẫn đến một thực tế là nếu các nghệ nhân nhà nghề nói đúng thì hiện trạng của Ca trù thế hệ tiếp nối quả là đáng báo động. Có nghĩa, giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát sai hoàn toàn so với chuẩn mực của Ca trù trong cổ truyền. Vậy thế nào là chuẩn mực cổ điển của Ca trù? Liệu có cách nào giải quyết vấn đề này?

Ngược dòng lịch sử xem cha ông

Nếu như trước đây đã từng có rất nhiều tài liệu và cuốn sách viết về Ả đào (hay Ca trù) dưới góc nhìn lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, thì trong "Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật", tác giả - nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền lại chọn một cách tiếp cận khác. Đó là đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này.

Nhận diện được "khuôn vàng thước ngọc" của cha ông

Qua 7 phần nội dung, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát Ả đào, và hiểu được lý do vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Phần 1 của cuốn sách đề cập đến Không gian văn hóa - chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật Ả đào. Phần này đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi này.

Cuốn sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Cuốn sách của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Phần 2 "Khổ phách - khổ đàn" làm sáng tỏ những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề. Mọi vấn đề đưa ra đều được minh họa bằng những ví dụ đoạn nhạc ký âm chi tiết.

Phần 3 "Cung điệu nhạc Ả đào": với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc. Từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào như thế nào. Đây là một trong những phát hiện mới mẻ, quan trọng của công trình.

Phần 4 có nội dung "Hình thức - cấu trúc bài bản". Thông qua phần này, đào kép thế hệ mới hoàn toàn có thể tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng và khoa học cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc Ả đào.

Phần 5 đề cập đến "Nghệ thuật trống chầu". Tác giả căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu vang, đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên Ả đào.

Ngược dòng lịch sử xem cha ông

Trong phần 6 "Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa", tác giả đưa ra một cách nhìn khác về nhà hát Cô đầu, một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ Ả đào - họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc.

Tác giả viết về điều ít ai biết đó là trong cuộc chiến vệ quốc chống thực dân Pháp, hàng trăm cô đầu Hà Nội đã tản cư theo kháng chiến làm dân công trên chiến khu Việt Bắc. Mùa Đông năm 1946, rất nhiều cô đầu đã ngã xuống bên chiến lũy đường phố Hà Nội. Họ đã không bỏ chạy, tự nguyện ở lại chiến đấu và hy sinh cùng với những chiến sĩ cảm tử quân, vệ quốc đoàn...

Đặc biệt, cuốn sách cũng có phần Phụ lục ảnh với 14 trang ảnh tư liệu đào kép thế kỷ 20 được in màu sắc nét để phục vụ bạn đọc, các nhà quản lý và văn hóa và người yêu nghệ thuật.

Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, vì thế khi đọc cuốn sách này là đang cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào để tìm ra những bài học kinh nghiệm cho mình trong ngày hôm nay.

Tác giả cuốn sách hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được "khuôn vàng thước ngọc" của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Có như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa và trở thành vốn quý được người dân hiện tại trân trọng, giữ gìn, phát huy cũng như đưa Ca trù vực dậy, tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội và cả nước.

Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền nguyên là giảng viên dạy các môn Nhạc lý cơ bản và âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ năm 1996 đến nay, ông chuyển công tác về Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Ông là người có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong hành trình nghiên cứu và tìm tòi khám phá những ngóc ngách bí ẩn của lịch sử âm nhạc dân tộc, ông đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là đối với Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên - cả hai đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Ngoài "Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật", tác giả Bùi Trọng Hiền còn từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.

Lượt xem: 6
Tác giả: Hương Thu
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật