Hấp dẫn và thú vị cuốn sách "100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới"
Cuộc sống hiện đại ngày nay được lấp đầy bởi vô vàn sản phẩm của trí tuệ và khoa học. Chính những sản phẩm ấy cùng các phương pháp khoa học đã tạo nên cuộc cách mạng làm thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều đó phải kể đến những nhà khoa học xuất sắc, những người đã cống hiến không ngừng cho sự phát triển của nhân loại. Nhằm giúp độc giả có thêm hiểu biết về những con người kiệt xuất này, tác giả Jon Balchin đã biên soạn cuốn sách "100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới".
Trong cuốn sách này, Jon Balchin đã giới thiệu một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ nhớ về tiểu sử cùng những thành tựu tiêu biểu nhất của 100 “người khổng lồ” có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Cuốn sách "100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới" |
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong lĩnh vực khoa học (từ vũ trụ học của Copernicus và Galileo đến nhiều cuộc cách mạng thời Trung Cổ của Hippocrates và Galen, hay câu chuyện của anh em nhà Wright, nhà nữ khoa học - người tiên phong chất phóng xạ Marie Curie và thiên tài Vật lý Albert Einstein, Stephen Hawking…), tác giả đã khai thác rất nhiều đề tài, phạm trù quan trọng trong cuộc sống như vật lý, sinh học, hóa học và gen.
Mỗi lĩnh vực gồm nhiều phát hiện thú vị, chẳng hạn như khám phá về hình học (Euclid), máy in (Gutenberg), kính viễn vọng (Galileo), thuốc nổ (Alfred Nobel), điện thoại (Alexander Graham Bell), phân tâm học (Freud), radium (Marie Curie) và penicillin (Alexander Fleming)…
Cuốn sách đi từ Thời Cổ đại, Thiên niên kỷ 1, Thế kỷ XV đến XIX. Ở mỗi giai đoạn đó đều có các nhân vật vĩ đại làm nên lịch sử thế giới.
Chẳng hạn, trong thế kỷ XIX những ca tử vong vì bệnh tật được ghi nhận mỗi ngày. Bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt đã giết chết hàng triệu người trước khi Edward Jenner phát hiện ra những cô gái vắt sữa từng mắc bệnh đậu bò sẽ miễn nhiễm với bệnh đậu mùa và trước khi Jonas Salk chế tạo ra vaccine chống bại liệt.
Có thể thấy, những sản phẩm của khoa học rất quan trọng, tuy nhiên, thứ có lẽ đáng chú ý hơn chính là phương pháp khoa học. Đó là phương pháp được tiến hành từ quan sát thực nghiệm tới lý thuyết, để rồi lý thuyết lại được căn chỉnh dưới ánh sáng của những bằng chứng mới.
Bác bỏ quan niệm về sự thật dựa trên quyền lực, các nhà khoa học trong cuốn sách này đã quan sát thế giới xung quanh, tìm tòi và đề xuất ra các học thuyết để lý giải và chỉnh sửa các học thuyết đó nhằm giải thích cho các quan sát một cách cặn kẽ hơn.
Mỗi nhà khoa học trong cuốn sách đều được giới thiệu thông qua 3 ý chính: Mốc sự kiện/Ghi chú về ngày tháng: Tóm tắt những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu của mỗi nhà khoa học/cặp đôi nhà khoa học. Nội dung: Giới thiệu qua về tiểu sử, câu chuyện cá nhân, quá trình khám phá, tầm quan trọng trong những khám phá tiêu biểu nhất của họ và nêu lên tầm ảnh hưởng của những khám phá đó đối với thế giới. Di sản/ảnh hưởng: Cung cấp thêm những thông tin bổ sung về nhà khoa học được nhắc đến.
Đan xen giữa các thông tin trên là những câu chuyện đầy thú vị và gây tò mò về sự đột phá khoa học. Thông qua đó, bạn đọc có thể thấy rằng những nhà khoa học dù phải chịu sự hoài nghi và những chỉ trích đầy khắc nghiệt, nhưng vẫn vươn lên và thành công, xóa mờ các đường biên giới giới hạn kho tri thức của nhân loại.
Với bố cục được trình bày theo trình tự thời gian, hình ảnh sinh động và nội dung dễ hiểu, 100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới là cuốn sách vừa để giải trí, vừa cung cấp những thông tin vô cùng thiết thực cho độc giả trong độ tuổi 10+.
Sinh động và dễ đọc, 100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới là một cuốn sách vừa giải trí, vừa cung cấp những thông tin vô cùng thiết thực.
Có thể nói, cuốn sách là câu chuyện về những sáng kiến đã định hình thế giới ngày nay và những ý tưởng sẽ định hình tương lai của toàn nhân loại sau này. Và như lời lựa trong sách có viết: “Những người đã góp phần làm nên cuốn sách này đều tỏa sáng hệt như lời nói đậm chất thơ mà Bertrand Russell từng cất lên: ‘Ôi những nhân tài với ánh hào quang sáng chói!’. Liệu rằng ngọn hải đăng họ đã thắp sáng sẽ dẫn chúng ta đi xa tới đâu, rồi khoa học sẽ tiến bộ tới chừng nào? Chúng ta sẽ phải để các câu hỏi đó cho thế hệ các nhà khoa học kế cận, những người sẽ thay đổi thế giới trả lời”.