Hành trình kiến tạo giá trị “Xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với tinh thần “Quyết liệt, sáng tạo, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, từng bước kiến tạo giá trị “Xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc".
Đoàn kết, tự lực cánh sinh, phát huy nội lực
Cách đây 125 năm, ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái, chấm dứt thời kỳ thực hiện chế độ quân quản. Yên Bái chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng vẫn nằm dưới sự cai trị của bộ máy chính quyền phong kiến.
Trải qua các giai đoạn thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái |
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991), tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy nội lực càng được nâng cao, tạo dấu ấn mạnh mẽ qua những thành quả đáng tự hào trên các mặt trận xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, ở nhiệm kỳ mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ Tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với tinh thần “Quyết liệt, sáng tạo, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, từng bước kiến tạo giá trị “Xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc”.
Cải cách hành chính mạnh mẽ, kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, vượt qua mọi khó khăn, kinh tế tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được duy trì và đạt khá, luôn nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 7,55%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 7,67%/năm, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.
Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, GRDP bình quân đầu người tăng qua các năm. Năm 2024 đạt 56,3 triệu đồng, ước thực hiện năm 2025 đạt 61,4 triệu đồng. Quý I/2025 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của Yên Bái với GRDP đạt 9,58%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực, thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trao chứng nhận cho các nhà đầu tư |
Với những chiến lược, bước đi bài bản, cơ cấu kinh tế tỉnh tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Nông nghiệp chứng kiến bước ngoặt quan trọng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Liên tục nhiều năm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh luôn thuộc nhóm cao nhất trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; bình quân giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 5,22%/năm, đứng thứ hai trong Vùng. Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,98%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng.
Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%; giai đoạn 2021-2024 toàn tỉnh đã làm trên 7.400 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai.
Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong vùng Tây Bắc về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Hết quý I/2025, toàn tỉnh đã có 115/146 xã đạt chuẩn NTM, chiếm gần 79% số xã; có 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt mục tiêu Nghị quyết; 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Trấn Yên - huyện NTM đầu tiên của vùng Tây Bắc từ năm 2019, giờ đây đã đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt mục tiêu Nghị quyết của tỉnh…
Cùng với đó, cải cách hành chính mạnh mẽ đã nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Theo xếp hạng mới nhất, tỉnh Yên Bái đạt 86,42%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố ở Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) và ở Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đạt 90,54%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng (tăng 1 bậc so với năm 2023).
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái |
Trong quý I/2025, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 1.756 tỷ đồng; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án.
Trong đó, 8 dự án đầu tư được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư là 718,61 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp |
Văn hóa - giáo dục được đầu tư mạnh mẽ
Là địa phương còn nhiều khó khăn, song ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 được xem như bước đột phá rất lớn của GD&ĐT Yên Bái.
Tỉnh đã triển khai thực hiện 435 dự án thuộc đề án, với tổng mức đầu tư trên 783 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục thuộc đề án đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm với số tiền gần 60 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng được 122 phòng học, 496 phòng ở và các trang thiết bị phục vụ dạy học và đời sống cho học sinh bán trú.
Hàng năm, ngân sách chi cho GD&ĐT tăng, đặc biệt, so với nhiệm kỳ trước tăng lên 31,8%, riêng năm 2023 chiếm 33%, trong số đó, chi cho đầu tư chiếm gần 20%). Toàn tỉnh có 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,8%; theo các đề án của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn 100%.
Đây chính là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp dành cho sự nghiệp trồng người, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo thêm nhiều cơ sở vật chất phục vụ giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Yên Bái là tỉnh thứ 24 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và là tỉnh thứ 18 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Lĩnh vực giáo dục mũi nhọn được đầu tư.
Chỉ tính riêng kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt 57 giải, trong đó có 9 giải Nhì, 21 giải Ba và 27 giải Khuyến Khích, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc và thứ 25/63 tỉnh thành (tăng 2 bậc) về số lượng giải học sinh giỏi, tăng 17 giải so với năm học trước, vượt 15 giải so với chỉ tiêu được giao.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, các em học sinh đã xuất sắc đạt 1 giải Nhì và 2 giải Triển vọng.
Yên Bái triển khai mạnh mẽ mô hình trường học hạnh phúc, mang đến niềm vui, sự an tâm cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện |
Toàn tỉnh hiện có 350 trường mầm non, phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79,2% số trường, đạt 99,2% so với kế hoạch giao; trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 99 trường, chiếm 22,4% tổng số trường.
Bên cạnh đó, với nền tảng văn hóa phong phú của hơn 30 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, Yên Bái đã và đang chú trọng khai thác du lịch văn hóa. Từ đó, tỉnh giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội.
Để mục tiêu phát triển du lịch xanh gắn với bản sắc văn hóa, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống, cụ thể: Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề án "Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2030”.
Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Đặc biệt, hiện nay tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025...
Bên cạnh đó, du lịch tỉnh Yên Bái đang dần "định vị" trong lòng du khách. Điều này được thể hiện qua ượng khách du lịch tăng qua từng năm. Nếu năm 2020 khách du lịch đến Yên Bái là 760.000 lượt, thì năm 2023 địa phương đón 2.088.000 lượt khách (tăng 174,7%).
Du lịch tỉnh Yên Bái đang dần "định vị" trong lòng du khách. |
Doanh thu du lịch năm 2020 đạt 475 tỷ đồng, năm 2023 đạt 1.721 tỷ đồng (tăng 262,3%). Năm 2024, ngành du lịch Yên Bái ước đón và phục vụ trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 3%, trong đó khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, bằng 119,3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, trong quý I năm 2025, lượng khách du lịch đạt 742.335 lượt (bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong đó, khách quốc tế đạt 83.582 lượt khách (bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2024). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 632,2 tỉ đồng (bằng 116,9% so với cùng kỳ năm 2024).
Vững vàng bước vào kỷ nguyên mới
Theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa hai tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay; thống nhất phương án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai, thống nhất phương án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh |
Tại hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh: “Hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai phấn khởi, tự hào từng chung một mái nhà Hoàng Liên Sơn, hôm nay tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình gắn bó, cùng phát triển, mở rộng và nâng tầm. Hai địa phuong phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng trung du miền núi phía Bắc, một điểm sáng trong hợp tác phát triển vùng biên và hội nhập quốc tế. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn có cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển và hạnh phúc hơn, hiện thực hóa những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Yên Bái và Lào Cai tháng 9 năm 1958”.
Trước vận hội mới, tiếp bước truyền thống 125 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra; xây dựng quê hương Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, vững vàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.