Đưa nghệ thuật tuồng đến gần với giới trẻ

Từ ý tưởng giải mã vẻ đẹp của tuồng, dự án “Khai sắc tuồng thanh” được Nhà hát Tuồng Việt Nam và nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện, đem đến những hoạt động thú vị nhằm kết nối giới trẻ với tuồng - loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo của dân tộc. Đây cũng là một trong những hoạt động mở màn thuộc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Theo Ban tổ chức, một thời, nghệ thuật tuồng được xem là “quốc kịch”. Cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng bị suy giảm khán giả bởi những luồng văn hóa mới. Với mong muốn đưa nghệ thuật tuồng tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, dự án “Khai sắc tuồng thanh” được Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp với nhóm sinh viên nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện.

Bạn Hoàng Thị Ngọc Hà, Trưởng ban tổ chức cho biết, “Khai sắc tuồng thanh” là tên dự án với ý nghĩa khai mở những sắc màu rực rỡ và đa dạng của nghệ thuật tuồng, giúp giới trẻ khám phá những nét đẹp sâu sắc, ước lệ của loại hình nghệ thuật này. "Khai" biểu thị sự mở mang, dẫn dắt khán giả trẻ đến với một thế giới nghệ thuật độc đáo. "Sắc" đại diện cho muôn vàn sắc thái, vẻ đẹp phong phú của Tuồng. "Thanh" thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nghệ thuật tuồng, một giá trị truyền thống không phai nhạt theo thời gian.

Đưa nghệ thuật tuồng đến gần với giới trẻ

Đưa nghệ thuật tuồng đến gần với giới trẻ

Kiệt tác tuồng nổi tiếng “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo" sẽ được biểu diễn trên sân khấu "Khai sắc tuồng thanh"

“"Giải mã vẻ đẹp của tuồng" là ý tưởng chủ đạo của dự án, hướng tới khơi dậy sự tò mò và yêu thích của giới trẻ đối với nghệ thuật tuồng. Dự án tạo cầu nối giúp khán giả trẻ dễ dàng tiếp cận tuồng, một loại hình nghệ thuật sân khấu với ngôn ngữ biểu đạt giàu tính ước lệ và sâu sắc. Thông qua việc khám phá và giải mã những nét đẹp độc đáo của tuồng, dự án mong muốn tạo không gian giúp khán giả trẻ thêm hiểu, yêu và tự hào về di sản văn hóa dân tộc”, Ngọc Hà chia sẻ.

Với ý nghĩa đó, dự án mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn: Workshop “Nét tuồng”, trải nghiệm làm postcard mặt nạ tuồng; talkshow về vẻ đẹp ước lệ trong tuồng với sự tham gia của các diễn giả am hiểu về nghệ thuật truyền thống; biểu diễn trích đoạn tuồng nổi tiếng “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo". Đặc biệt, qua sự dẫn dắt của các nghệ sĩ, khán giả được trải nghiệm một số động tác, cử chỉ cơ bản khi biểu diễn tuồng.

Các diễn giả tham gia giao lưu với khán giả

Các diễn giả tham gia giao lưu với khán giả

Là người yêu thích nghệ thuật truyền thống bạn Nguyễn Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ sự háo hức khi được tham gia các hoạt động của dự án. Nhung cho biết: “Đây là cơ hội để mình tìm hiểu về nghệ thuật tuồng thông qua việc giao lưu với nghệ sĩ trên sân khấu. Không chỉ được xem các nghệ sĩ biểu diễn, khán giả còn có cơ hội trải nghiệm một số động tác, cử chỉ cơ bản khi biểu diễn tuồng. Điều này thực sự rất thú vị, mình tin qua hoạt động này nghệ thuật truyền thống sẽ đến gần hơn với giới trẻ”.

Theo đại diện Nhà hát Tuồng Việt Nam, tuồng vốn là thể loại nghệ thuật kén người nghe nhưng vô cùng đặc sắc, chứa đựng giá trị văn hoá dân tộc sâu sắc. Hiện nay, nhận thức của giới trẻ về tuồng còn hạn chế, song loại hình nghệ thuật này đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút sự quan tâm của người trẻ.

Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, các dự án, liveshow, chương trình biểu diễn phù hợp. Đặc biệt, việc kết hợp với các bạn trẻ có kỹ năng truyền thông hiện đại đã giúp cho nghệ thuật tuồng thu hút khán giả hơn.

Thông qua những chương trình, hoạt động như “Khai sắc tuồng thanh” các bạn trẻ thêm hiểu, yêu nghệ thuật tuồng. Từ đó, người trẻ chung tay bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống và huy động được những người bạn đồng trang lứa góp phần nhỏ giữ gìn môn nghệ thuật này.

 

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 2
Tác giả: Nguyễn Dũng