Bài 5: Những ngòi bút và trái tim đầy nhiệt huyết
Văn học không giống như các loại hình khác. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian để nhà văn thai nghén, nghiền ngẫm ý tưởng và viết. Rất nhiều "người trong cuộc" đã bày tỏ nhiệt huyết và mong muốn của mình để có nhiều sáng tác về Hà Nội hôm nay hơn nữa. Thực tế cho thấy chúng ta có quyền hy vọng về điều đó đang đến rất gần.
Cầm bút như nhu cầu tự thân
Nhà văn Nguyễn Văn Học khẳng định: "Kể cả các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn không hỗ trợ về kinh phí, vật chất thì vẫn có nhiều tác phẩm được viết ra. Vì Hà Nội là điểm hội tụ, là thành phố đông dân với sức nén cao và những người yêu Hà Nội không phải ít. Họ sống, mưu sinh, nghiền ngẫm về một đô thị và sẽ tự đắm mình vào một không gian, một góc nào đó của Hà Nội để viết. Viết như một nhu cầu tự thân, như một sự dấn thân”.
Dù vậy, anh cũng tâm sự: “Tất nhiên có thêm sự hỗ trợ như việc tổ chức cuộc thi viết nghiêm cẩn về Hà Nội ở thể loại tiểu thuyết, trao giải “ra tấm ra miếng” thì trước tiên sẽ có rất nhiều tác phẩm ra đời, từ đó ta có thể chọn ra các tác phẩm tốt hơn để quảng bá, dựng thành phim, làm "mồi" cho những cuộc thi tiếp theo”.
Hà Nội có biết bao điều khiến các tác giả rung động mà viết ra thành tác phẩm (Ảnh minh họa) |
Trên thế giới vẫn có những nhà văn triệu bản, trở thành tỉ phú bằng tác phẩm văn học. Trong ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, văn chương cũng là một “mặt hàng” xuất khẩu mang lại giá trị lợi nhuận bên cạnh việc giới thiệu văn hóa của đất nước bản địa. Vì thế, nhuận bút hay nói chính xác hơn là nguồn giá trị vật chất cũng chính là một động lực để thúc đẩy các nhà văn cầm bút. Bởi đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng là đầu tư cho những giá trị tinh thần và "có lãi". |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thẳng thắn bày tỏ: “Để viết được một cuốn tiểu thuyết nói chung, tác giả thường mất rất nhiều thời gian xây dựng ý tưởng, chuẩn bị tư liệu, cảm xúc, vốn sống cho đến khi triển khai thành tác phẩm. Ai viết nhanh thì tầm 6 tháng, người nhấn nhá, kĩ càng thì phải đến vài năm. Đổi lại, số tiền họ thu về không đủ trang trải chi phí cuộc sống. Vẫn biết văn chương vốn mang lại giá trị tinh thần và người viết như “con tằm nhả tơ” rút ruột cho đời song trong thời hiện đại, điều đó cũng nên có sự thay đổi phù hợp”.
Trên thực tế, nếu giải thưởng thấp, không đủ làm động lực để tác giả cầm bút thì khó có thể có tác phẩm đồ sộ, chất lượng từ các cuộc thi. “Tất nhiên, giải thưởng cũng chỉ là một phần nhưng giá trị vật chất từ cuộc thi mang lại giúp tác giả được động viên, tôn trọng về mặt tinh thần và có động lực để viết”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ.
Nhà văn Văn Giá hiến kế để cho ra đời những tác phẩm văn học xứng tầm với sự phát triển của Hà Nội hôm nay thì chúng ta có thể thực hiện nhiều biện pháp “kích cầu” khác nhau. Chẳng hạn là tổ chức các cuộc thi để thu hút sự chú ý, tìm tòi, suy nghĩ đào sâu và sáng tạo của các tác giả.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể tổ chức những cuộc hội thảo, cùng ngồi lại với nhau để chỉ ra những mặt đã được và chưa được, cái gì thiếu, cái gì còn yếu của văn học Thủ đô, từ đó kích thích các nhà văn cùng vào cuộc để lấp đầy khoảng trống này. Câu hỏi các nhà văn cần đặt ra là: Chúng ta đang mắc nợ những gì với văn học Hà Nội?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí thuộc trường Đại học Văn hóa, tác giả của “Trần gian muôn nỗi”, “Viết khi tâm đắc” cũng mong muốn có những chiến lược truyền thông về văn học Hà Nội để lôi cuốn người viết về mảnh đất này nhiều hơn.
“Anh hãy trình bày những cảm nhận tinh tế nhất của anh về Hà Nội hôm nay. Người Hà Nội vừa năng động, hiện đại, tính cách đại diện cho mỗi thời đại và điều đó phải được thể hiện qua những tác phẩm văn học”, nhà văn Văn Giá khẳng định.
Có những ý kiến cho rằng muốn có tác phẩm hay thì cần phải được đầu tư nhưng sự đầu tư cũng có hai mặt của nó. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cảnh giác: “Kể cả đầu tư cũng phải cân nhắc, chọn lọc. Vì đầu tư cho ai, có hiệu quả không, cho các nhà văn đã thành danh hay nhà văn mới viết có đủ tin tưởng hay không”?
Nhà văn Phong Điệp đóng góp ý kiến: “Tôi nghĩ thành phố nên tổ chức những chuyến đi thực tế theo chuyên đề tạo điều kiện cho người viết thâm nhập sâu hơn và nắm bắt chính xác hơn những chủ trương chính sách và những chuyển động của thành phố trên các lĩnh vực. Đó sẽ là chất liệu rất quý để nhà văn thai nghén ra những tác phẩm tâm huyết của mình. Đồng thời có thể tổ chức đặt hàng các nhà văn viết về Hà Nội, tổ chức các cuộc thi viết về Hà Nội. Những sự quan tâm kịp thời, phù hợp của thành phố sẽ khích lệ, tạo động lực để các nhà văn có những tác phẩm hay viết về Hà Nội”.
Sự chuẩn bị kĩ càng
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, những năm gần đây, các Hội viên cũng đã có rất nhiều sáng tác mang bóng dáng mảnh đất này, riêng về thơ thì có đến hàng trăm cuốn. Anh chị em văn nghệ sĩ Thủ đô vẫn luôn phấn đấu để có những tác phẩm xứng đáng với vị thế của Hà Nội. Đó là phản ánh những thành tựu của công dân Thủ đô trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; Đóng góp vào nền công nghiệp văn hóa mà thành phố đang triển khai.
Để thu hút, mời gọi, thúc đẩy những trang viết về Hà Nội từ hội viên cũng như các cây viết trong và ngoài nước, Hội Nhà văn Hà Nội đang triển khai Cuộc vận động sáng tác các Văn học nghệ thuật với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển” từ nay đến hết ngày 30/8/2024.
Hoạt động này hướng tới mục đích kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội; Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn của đất nước, thiết thực hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Cuộc vận động sáng tác sẽ góp phần nâng cao giá trị văn học nghệ thuật Thủ đô, khích lệ tinh thần sáng tác của các nhà văn trong tình hình mới nhằm tạo ra các tác phẩm, công trình văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, công cuộc đổi mới của Hà Nội, tương xứng với vị thế trung tâm văn hóa - chính trị của cả nước. Qua đó phát hiện khả năng về tác giả và đề tài để đầu tư, hỗ trợ xây dựng tác phẩm tầm cỡ về Hà Nội.
Viết về Hà Nội bằng cả cái tâm thì sẽ nhận về những điều xứng đáng |
Tất cả những nhà văn thành danh với các tác phẩm chúng ta từng yêu thích và thuộc lòng, gọi tên được cho đến ngày hôm nay chắc họ cũng rất ít người được “trả nhuận bút xứng đáng” nhưng họ vẫn viết, bằng tình yêu với mảnh đất này, bằng trách nhiệm, trái tim của nhà văn biết rung động và nghĩ suy với thời cuộc. Số “nhuận bút” nhiều nhất mà họ được nhận chính là việc tên tuổi và tác phẩm họ lưu truyền mãi trong lòng người đọc. Đó cũng là một phần giá trị tinh thần mà họ nhận về sau khi đã cống hiến hết mình cho độc giả. |
Hội cũng tiếp tục tổ chức học tập và trao đổi kinh nghiệm sáng tác, định hướng sáng tác bám sát các Chương trình 04, 06 và 09 của Thành ủy Hà Nội về văn hóa và xây dựng con người mới. Tạo điều kiện cho Nhà văn tiếp xúc thực tiễn, đổi mới nhận thức, tiếp cận và sử dụng thành tựu tiên tiến của công nghệ mới nhằm gia tăng sự tiếp cận và hội nhập và hỗ trợ tác nghiệp…
Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã có chỉ đạo để tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2023. Dành nguồn lực lớn đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng; Sự quan tâm sát sao, đánh giá, nâng cao chất lượng của trại sáng tác cũng như hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố của các cấp lãnh đạo Thủ đô là những điều kiện vô cùng thuận lợi, sự chuẩn bị kĩ càng để “kích cầu” tác phẩm hay, có tầm vóc về “Hà Nội mến yêu của ta”.
Các nhà văn tất nhiên có quyền lựa chọn viết gì, viết về nơi đâu nhưng thiết nghĩ, cùng với việc được Hà Nội đầu tư nguồn kinh phí nhất định, cùng với hiện thực nhiều chất liệu như hôm nay, những tác giả đã sống, đã gắn bó và đã có nhiều trải nghiệm, kỷ niệm với thành phố này nên chăng cũng hướng ngòi bút của mình về trái tim thân yêu của cả nước. Với tài năng, tâm huyết của mình, tin rằng họ có đủ bút lực để tạo nên những tác phẩm hay và chúng ta có quyền hi vọng và chờ đợi trong thời gian tới.