Bài 2: Những "đoá hoa khuyết" vươn mình

Việc làm là cơ hội để người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng mở cánh cửa hoà nhập cuộc sống. Nhiều phụ nữ khuyết tật gần đây đã thành công khởi nghiệp với nhiều đóng góp cho xã hội cho thấy đây là một nguồn nhân lực chứ không chỉ là đối tượng yếu thế; nếu được tạo điều kiện và nâng đỡ, họ chắc chắn sẽ trở thành nguồn nhân lực có giá trị…

Vượt lên nghịch cảnh

Những năm gần đây, hình ảnh người phụ nữ với nụ cười rạng rỡ trên chiếc xe lăn đã trở thành biểu tượng cho nghị lực sống của những người khuyết tật Việt Nam. Chị là Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Công ty CP dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor), một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật.

Công ty CP Dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor) do chị thành lập suốt gần 20 năm qua đã đào tạo miễn phí cho hơn hàng nghìn học viên, hằng năm hỗ trợ việc làm cho hàng chục người khuyết tật.

Trước khi thành lập công ty, chị Vân cùng anh trai là Hiệp sĩ công nghệ thông tin Công Hùng từng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho người khuyết tật.

Bài 2: Những đoá hoa khuyết vươn mình

Chị Nguyễn Thị Vân (váy xanh ở giữa) cùng nhân viên Công ty CP Dịch vụ Nghị lực sống

Cuối năm 2012, sau sự ra đi đột ngột của anh trai, chị Vân thay anh điều hành hoạt động Trung tâm Nghị lực sống. Đến năm 2016, nhận thấy những khó khăn trong vấn đề tài chính và rào cản đối với người khuyết tật trong xã hội, chị ấp ủ kế hoạch xây dựng một doanh nghiệp để kinh doanh, kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là nơi những người cùng cảnh có thể phát huy được giá trị của mình.

Vậy là với số vốn 5.000 USD, Imagtor ra đời với 60% lao động là người khuyết tật. Sau 2 năm thành lập, đến năm 2018, Imagtor đã được một tổ chức tại Singapore định giá 2,4 triệu USD, gấp 480 lần giá trị ban đầu. Năm 2022, Imagtor lớn mạnh hơn, tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng đào tạo, giúp hàng trăm nhân viên có công việc ổn định, có thể tự lo được cho bản thân và gia đình. Thời điểm hiện tại, số lượng lao động người khuyết tật tại Imagtor chiếm 40%.

Ngoài Imagtor, 2 năm gần đây, nếu ai quan tâm đến thông tin về cộng đồng những người bại não thì đều biết đến “Chạm vào xanh”. “Chạm vào xanh” được thành lập bởi hai cô gái là Nguyễn Thùy Chi (sinh năm 1990 quê ở Lào Cai) và Lưu Thị Hiếu (sinh năm 1990, người Hà Nội), đều bị bại não từ nhỏ nhưng luôn khát khao phải làm được điều gì đó thay đổi cuộc sống.

“Chạm vào xanh” là cầu nối đưa những sản phẩm mà người khuyết tật làm đến với cộng đồng để qua đó cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của người khuyết tật. Những món đồ lưu niệm xinh xắn không chỉ được làm bằng tay, mà là từ các... đôi chân khéo léo khi người sáng tạo phải nằm bất lực trên giường với cánh tay yếu ớt do chứng bại não.

Bài 2: Những đoá hoa khuyết vươn mình

Nguyễn Thùy Chi cùng người bạn của mình lập nên “Chạm vào xanh” - một ngôi nhà chung tạo cơ hội việc làm cho những người khuyết tật nói chung và những người bại não nói riêng.

Lặng lẽ với hướng đi riêng, Lê Thị Diễm My (33 tuổi, quê Bình Thuận) đã thu hút rất nhiều sự chú ý trên mạng xã hội gần đây như một tiktoker kinh doanh sản phẩm gối cao su non. My cùng chồng là Nguyễn Văn Hùng (33 tuổi, quê Nghệ An) được biết đến là cặp đôi tí hon. Dù đã ở tuổi ngoài 30 nhưng căn bệnh thiếu hormone sinh trưởng khiến cả hai nhìn giống như những đứa trẻ lên 5, lên 6.

Thời điểm cách đây hơn 1 năm khi dịch bệnh COVID - 19 bùng phát, rảnh rỗi, Hùng tập tành làm kênh Youtube. Khi kênh đã được bật chế độ kiếm tiền, Hùng và My đã kinh doanh phân phối gối cao su non và gần đây nhất là mảng thời trang trẻ em, được đông đảo cộng đồng mạnh ủng hộ...

Tạo cơ hội cho phụ nữ khuyết tật tự tin hoà nhập

7 năm qua, ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt đã cùng cộng sự, là những phụ nữ bị điếc bẩm sinh đã tạo nên một cơ sở khang trang cùng một thương hiệu uy tín trên thị trường sản phẩm quà tặng, thủ công mỹ nghệ.

Điều đặc biệt là từ ông chủ tới nhân công ở đây đều là người khuyết tật. Kym Việt đã tuyển dụng những phụ nữ bị khiếm thính vào công ty ngay từ buổi đầu thành lập. Ông Hoài cho biết, thời gian đầu, tiếng là công ty nhưng chỉ có 2 nhân viên, 2 cái máy khâu. Mà nhân viên, lại là hai cô gái không có khả năng nghe, nói.

Nhờ vào sự nỗ lực, kiên trì, đến nay, công ty đã trải qua 7 năm phát triển với số nhân viên bây giờ lên tới hơn 20 người, cũng đều là những phụ nữ bị điếc bẩm sinh.

Bài 2: Những đoá hoa khuyết vươn mình

Anh Phạm Việt Hoài trao đổi với một nhân viên tại Kym Việt

Chia sẻ về lý do tuyển dụng những lao động "đặc biệt", ông Phạm Việt Hoài cho biết: Những phụ nữ khiếm thính có khát khao làm việc rất lớn, hơn nữa, họ cũng rất khéo tay, chăm chỉ thông minh. Những sản phẩm thiên về thủ công, về may vá họ làm rất tốt, thậm chí là còn tốt hơn những nữ công nhân bình thường. Vì tất cả năng lượng, niềm say mê, hứng thú đều dồn cho công việc, họ cũng rất tập trung, ít bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh.

“Bản thân là một người khuyết tật, tôi hiểu rằng, một người bình thường không có công ăn việc làm, không khẳng định được bản thân thì đã khốn khổ đến mức nào. Người khuyết tật, đặc biệt phụ nữ khuyết tật còn khổ hơn nữa vì họ luôn dằn vặt, tự ti, mặc cảm bản thân vì mình là gánh nặng cho gia đình, người thân”- Ông Phạm Việt Hoài chia sẻ.

Cũng theo ông Hoài, hiện cộng đồng người khiếm thính tại Hà Nội rất lớn nhưng họ rất khó tìm việc. "Chúng ta cứ tưởng tượng, tại một xưởng may của một khu công nghiệp, nếu doanh nghiệp tuyển một công nhân bị điếc vào, dù họ có tạo điều kiện đến mức nào thì vẫn rất khó. Chẳng lẽ lại đi tuyển thêm người phiên dịch về. Chính vì vậy, họ - những người phụ nữ, những nữ thanh niên điếc đến tuổi lao động rất khó tìm việc làm. Gần như không có cơ hội. Đây là một sự lãng phí nguồn lực vì cộng đồng người điếc trong độ tuổi lao động đang là rất lớn"- ông Hoài chia sẻ và mong muốn rằng, xã hội cần quan tâm hơn nữa đến người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ.

"Họ thiệt thòi vô cùng. Hãy cùng nhau tạo ra cơ hội để họ bước ra ánh sáng, hòa nhập và tự tin hơn. Khi họ tự tin, không còn yếm thế, không lo sợ và hiểu biết hơn thì không ai có thể làm hại họ. Hiện nay, theo tôi được biết, thì riêng cộng đồng người khuyết tật tại Hà Nội thôi, những người có khả năng lao động cũng lên tới hàng vạn người. Nếu không sử dụng được họ, đó là sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn”, ông Hoài nói thêm.

Rõ ràng, người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng vẫn có thể vươn lên làm chủ cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Điều cần lúc này là phải có sự chung tay của các cấp, ngành, doanh nghiệp nâng đỡ họ "đứng lên" "tự tin tham gia vào lực lượng lao động của xã hội.

(Còn nữa)

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 2
Tác giả: Hạnh Nguyên
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật