Đồng USD mạnh gây ra làn sóng bán tháo ở thị trường mới nổi

Đồng USD tăng vọt cùng với nhiều tin tức tiêu cực đã châm ngòi cho đợt bán tháo các đồng tiền thị trường mới nổi. Quy mô của đợt bán tháo này được đánh giá là lớn nhất kể từ thời điểm Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt cách đây hai năm.

Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan đã sụt giảm hơn 5% trong hai tháng rưỡi qua, đang trên đà ghi nhận mức giảm quý mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Làn sóng bán tháo diễn ra trên diện rộng, với ít nhất 23 đồng tiền được Bloomberg theo dõi đều giảm giá so với USD trong quý này.

Đồng USD đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 9, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về các chính sách thương mại và tài khóa sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

"Đồng USD hoàn toàn là yếu tố chủ đạo gây ra sự yếu đi của các đồng tiền thị trường mới nổi", Paul McNamara, nhà quản lý về trái phiếu và tiền tệ thị trường mới nổi tại công ty quỹ GAM nhận định. Tháng trước, Trump cho biết sẽ áp thuế 25% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, cùng với 10% bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.

Peso Mexico đã giảm 2.1% trong quý này, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 3.7%. Ở phạm vi rộng hơn, đồng Rand Nam Phi - thường được xem là thước đo tâm lý trên các thị trường mới nổi do tính thanh khoản cao - đã giảm khoảng 2.4% kể từ cuối tháng 9.

Tình hình càng đáng lo ngại khi xét đến yếu tố lợi nhuận tổng thể. Ngay cả khi tính cả lãi suất từ việc nắm giữ tài sản nội tệ, chỉ có đồng tiền của các quốc gia được đánh giá rủi ro cao như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina mới mang lại lợi nhuận trong quý này.

Đợt bán tháo sau bầu cử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giao dịch "carry trade" (chiến lược kiếm lời từ chênh lệch lãi suất) - khi nhà đầu tư vay bằng đồng tiền lãi suất thấp như USD hoặc yên để đầu tư vào các đồng tiền thị trường mới nổi có lợi suất cao hơn. Một rổ giao dịch carry trade thông dụng được Citi theo dõi chỉ mang lại lợi nhuận 1.5% trong năm nay, xấp xỉ mức trung bình 10 năm và thấp hơn nhiều so với mức 7.5% của năm 2023.

Các chuyên gia cho biết sự suy yếu của đồng Peso Mexico chủ yếu do tác động từ các diễn biến về thuế quan. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn đối với các đồng tiền thị trường mới nổi khác, khi mỗi quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức riêng.

"Nhiều yếu tố tiêu cực đang cùng lúc tác động đến các thị trường mới nổi", Thierry Wizman, Chiến lược gia ngoại hối và lãi suất toàn cầu tại Macquarie nhận định. Ông nhấn mạnh trường hợp của Trung Quốc với những lo ngại về sự suy giảm kinh tế trong nước và khả năng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách. Trong khi đó, Brazil đang phải đối mặt với áp lực từ thâm hụt ngân sách và khả năng trả nợ.

Lợi suất trái phiếu 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 2%, mức thấp nhất trong 22 năm. Điều này cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Đồng Real Brazil cũng đã chạm đáy lịch sử trong những tuần gần đây khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 6 Real/USD.

Trong khi đó, đồng Won Hàn Quốc chịu tác động tiêu cực vì những hỗn loạn chính trị ở xứ sở kim chi.

Đồng USD tăng mạnh cũng đã khiến Euro suy yếu trong những tháng gần đây. Theo Mark McCormick, Trưởng bộ phận chiến lược FX và thị trường mới nổi tại TD Securities, đây là dấu hiệu xấu cho các đồng tiền "xoay quanh Euro", bao gồm zloty Ba Lan và forint Hungary.

Wizman của Macquarie cho biết đợt bán tháo ở các đồng tiền thị trường đang phát triển đã làm sống lại câu chuyện đầu tư "Tina" (There Is No Alternative - Không có lựa chọn thay thế) - nghĩa là nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổ tiền vào thị trường Mỹ.

"Hiện nay không có thị trường mới nổi nào có câu chuyện kinh tế thực sự vững chắc", ông nhấn mạnh.

Lượt xem: 8
Tác giả: Vũ Hạo (Theo FT)