Đồng USD bật tăng lên mức cao nhất 2 năm, gây sức ép lên thị trường hàng hoá

Nhóm kim loại chịu áp lực bán mạnh khi toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt suy yếu, trong đó giá bạc lao dốc hơn 4%, lần đầu tiên rơi khỏi mốc 30 USD/ounce kể từ giữa tháng 9/2024. Diễn biến đồng pha, chỉ số giá nhóm năng lượng cũng ghi nhận phiên giảm điểm.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ quay trở lại chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 19/12). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,04% xuống 2.179 điểm.

anh-1-chi-so-mxv-index.png

Thị trường kim loại lao dốc vì sức ép vĩ mô

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, nhóm kim loại tiếp tục chịu áp lực bán mạnh do sức ép vĩ mô gia tăng. Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp, giảm hơn 4% xuống mức 29,41 USD/ounce. Đây cũng là lần đầu tiên giá bạc giảm xuống dưới mốc 30 USD/ounce kể từ giữa tháng 9/2024. Giá bạch kim cũng giảm hơn 1% xuống mức 923,5 USD/ounce. Giá kim loại quý tiếp tục chịu áp lực bởi sức ép từ đồng USD mạnh lên và lo ngại lãi suất giảm chậm hơn.

anh-2-bang-gia-kim-loai.png

Đồng USD đã bật tăng mạnh sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy thái độ cứng rắn hơn trong tiến trình hạ lãi suất trong tương lai. Trong quyết định lãi suất công bố rạng sáng hôm qua, FED đã điều chỉnh giảm dự báo quy mô hạ lãi suất trong năm tới, xuống còn 50 điểm cơ bản, tương đương hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất mục tiêu về 3,75 - 4%. Quy mô cắt giảm này thấp hơn một nửa so với mức 100 điểm cơ bản được đưa ra trong cuộc họp tháng 9. Tới cuối năm 2026, lãi suất chính sách sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống mức 3,4%, cao hơn so với dự báo trước ở mức 2,75 - 3%. Hơn nữa, dự báo lạm phát năm 2025 đã tăng lên 2,5%, cao hơn so với ước tính trước đó là 2,1% và cao hơn nhiều so với mục tiêu ở mức 2% của FED.

Thái độ cứng rắn hơn này của FED đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh. Thêm nữa, sức mạnh của đồng USD càng được củng cố sau khi Mỹ điều chỉnh tăng dữ liệu GDP quý III vào hôm qua. Cụ thể, theo số liệu chính thức do Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP quý III của nước này tăng 3,1% so với quý trước, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.

Theo đó, đồng USD tiếp tục tăng mạnh. Sau khi tăng chạm đỉnh hai năm trong phiên trước đó, chỉ số DXY tiếp tục tăng thêm 0,35% trong phiên hôm qua, lên mức 108,41 điểm. Đồng USD mạnh lên làm gia tăng chi phí đầu tư trong khi lãi suất có nguy cơ giảm chậm lại đã khiến giá kim loại quý - mặt hàng nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ, tiếp tục giảm mạnh.

Đối với kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên các mặt hàng trong nhóm, kéo giá tất cả mặt hàng đều suy yếu. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự sụt giảm gần 1% của giá kẽm LME về mức 2.967 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng một tháng gần đây. Bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá mặt hàng này cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Giá dầu thô tiếp tục trượt nhẹ

MXV cho biết, lực bán cũng áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua. Ngoại trừ khí tự nhiên, toàn bộ các mặt hàng còn lại đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, riêng giá dầu thô tiếp tục diễn biến giằng co trong phiên và đóng cửa với mức giảm gần 1%. Sự bi quan sau cuộc họp chính sách tháng 12 của FED vẫn là yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu.

anh-3-bang-gia-nang-luong.png

Khép lại phiên hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 0,95% xuống 69,91 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,69% xuống còn 72,88 USD/thùng.

Sau quyết định lãi suất của FED, đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác và đẩy giá dầu đi xuống. Tâm lý lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2025 vẫn bao trùm thị trường, sau khi FED cảnh báo sẽ thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất trong năm tới do lạm phát có thể quay lại.

Ở chiều ngược lại, các dữ liệu kinh tế được công bố hôm qua của Mỹ tốt hơn dự kiến đã tác động “bullish” lên giá. Tăng trưởng GDP quý III bất ngờ được điều chỉnh tăng lên 3,1%, mạnh hơn kỳ vọng không thay đổi ở mức 2,8%. Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu trong tuần vừa rồi giảm 22.000 đơn so với một tuần trước và thấp hơn mức dự đoán của thị trường. Ngoài ra, các chỉ số hàng đầu tháng 11 bất ngờ tăng 0,3% so với tháng trước, so với kỳ vọng giảm 0,1% và là mức tăng lớn nhất trong gần ba năm. Cuối cùng, doanh số bán nhà hiện hữu tháng 11 tăng 4,8% so với tháng 10 lên mức cao nhất trong 8 tháng là 4,15 triệu, so với kỳ vọng tăng 3,2% lên 4,09 triệu.

Việc nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc vẫn còn dư địa tăng cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên hôm qua. Tập đoàn lọc dầu nhà nước Sinopec dự báo, tiêu thụ dầu của Trung Quốc dự kiến đạt đỉnh vào năm 2027 ở mức 16 triệu thùng/ngày.

 
Lượt xem: 4
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết