Ngành ngân hàng cần kiểm soát chặt lãi suất huy động, tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kiểm soát chặt lãi suất huy động, xử lý nghiêm tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh.
Tại Công điện số 135 ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi việc chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để có phản ứng kịp thời. Cơ quan này cũng được giao có giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kiểm soát chặt lãi suất huy động, xử lý nghiêm tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh. |
Ngành ngân hàng cần kiểm soát chặt lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đầu 2025 “không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, không đúng địa chỉ, tạo cơ chế xin cho, tiêu cực trong việc cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).
Theo thống kê của VnBusiness, đã có tới 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12 gồm: CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank, và IVB. Trong đó, ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất hai lần trong tháng.
Ở kỳ hạn dài có 13 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên, gồm: CB, ABBank, BaoViet Bank, BVBank, Dong A Bank, GPBank, HDBank, IVB, MSB, OceanBank, Saigonbank, SHB, và Viet A Bank.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, hiện ở mức 4,75%/năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều nhà băng tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức từ 4%/năm trở lên.
Điển hình, với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, có tới 18 ngân hàng đang duy trì mức lãi suất từ 4%/năm như: VPBank, Ocenbank, CB, NCB, ABBank… Đáng chú ý, 2 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất cho các kỳ hạn này là Nam A Bank và Eximbank, với lãi suất lên tới 4,7%/năm, áp sát mức lãi suất trần 4,75%/năm theo quy định.
Lãi suất tiết kiệm tăng vào cuối năm 2024, phản ánh nhu cầu vốn cao của các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023.
Dù lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với chính sách kiểm soát mặt bằng lãi suất để bảo đảm ổn định thị trường tài chính. Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản và điều tiết cung tiền được áp dụng nhằm giảm áp lực lạm phát, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận vốn.
Với hoạt động cho vay, Công điện của Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
“Kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm”, Công điện nêu.
Thanh Hoa