Cuối năm, kiều hối về Việt Nam tăng mạnh

Thông thường trong quý IV hằng năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam thường cao hơn các quý khác, bình quân chiếm 30% cả năm, vì đây là thời gian cao điểm cho cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thời điểm này, các ngân hàng và công ty kiều hối đang chạy đua các chương trình khuyến mại để “hút” kiều hối. Dự kiến năm 2024, kiều hối cả nước đạt khoảng 19 tỷ USD, là mức cao kỷ lục từng đạt được trong năm 2022.

Nhiều chính sách "hút" kiều hối

Điển hình, Agribank có chương trình ưu đãi Mùa kiều hối 2025 "Kiều hối đón tết - gắn kết tình thân"  diễn ra từ ngày 15/12/2024 đến hết ngày 15/2/2025. Theo đó, khách hàng nhận tiền dịch vụ Western Union tại quầy giao dịch của Agribank sẽ có tối đa 2 cơ hội quay số trúng thưởng, với giải thưởng là quà và tiền mặt từ 100.000 đồng tới 100 triệu đồng.

Tại Sacombank, khách hàng cá nhân nhận kiều hối qua thẻ thanh toán Sacombank Visa sẽ được tặng tiền mặt, chương trình áp dụng đến hết 31/3/2025. Cụ thể, khi khách hàng phát sinh giao dịch nhận tiền từ nước ngoài qua thẻ thanh toán Sacombank Visa từ 500.000 đồng/tháng trở lên sẽ được tặng 200.000 đồng. Trong 5 tháng diễn ra chương trình, khách hàng thoả điều kiện nêu trên có thể được tặng 5 lần, tổng cộng lên đến 1 triệu đồng.

Một số ngân hàng khác cũng tung khuyến mại hút kiều hối cuối năm như: BIDV, Vietcombank, ACB…

-6268-1734429148.jpg

Agribank là một trong những đại lý chi trả kiều hối lớn nhất của Western Union tại Việt Nam.

Để chuẩn bị mùa cao điểm kiều hối cuối năm, các ngân hàng, công ty kiều hối đã và đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ. Khi thân nhân chuyển tiền từ nước ngoài, ngay lập tức tiền sẽ vào tài khoản cá nhân trong nước, hoặc chỉ một vài phút để có thể nhận tiền tại quầy. Việc chi trả tại nhà của người nhận cũng được thực hiện trong ngày. Nhiều ngân hàng, công ty kiều hối hiện đã phát triển hàng nghìn điểm, đại lý chi trả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nhận.

Công ty kiều hối Vietcombank (VCBR) đã trở thành công ty kiều hối có doanh số chi trả lớn nhất Việt Nam nhờ nắm bắt các thông tin kịp thời và điều chỉnh linh hoạt với các thay đổi của thị trường cũng như luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ chi trả đứng đầu. Doanh số kiều hối hợp nhất của hệ thống Vietcombank năm 2023 đạt 4 tỷ USD, chiếm khoảng 24% thị phần kiều hối tại Việt Nam.

Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc VCBR cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác chiến lược toàn diện với các đối tác ở tất cả các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và khu vực Trung Đông. Chúng tôi nhận thức rõ và xác định công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng cũng như bắt kịp với các xu hướng công nghệ trên thế giới, tạo lợi thế cạnh tranh khi hợp tác nên đã luôn ứng dụng kịp thời công nghệ mới vào phát triển sản phẩm dịch vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi có những chính sách ưu tiên về tỷ giá, thời gian chi trả… đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất và đồng nhất tại tất cả các địa bàn trong lãnh thổ Việt Nam".

TP.HCM là địa phương hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Trong năm nay, TP.HCM triển khai một số chính sách mới được kỳ vọng sẽ thu hút lượng kiều hối hiệu quả hơn trong thời gian tới như Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố từ nay đến năm 2030. Theo đó, TP.HCM đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng VND được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

Nguồn kiều hối chảy vào đâu?

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% là tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên. Đời sống của kiều bào ngày càng tốt hơn và nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 11 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động, vượt mục tiêu đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của cả năm.

“Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng thêm nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm nay”, giám đốc một công ty kiều hối cho hay.

Trước câu hỏi: Nguồn kiều hối chảy vào đâu? Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM thông tin, nhiều năm trở lại đây không thống kê cụ thể nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống, xây nhà cửa… và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội.

Ở góc độ tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều, quốc tịch Mỹ) nhìn nhận, 2 năm qua, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hỗ trợ rất ít cho sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu dùng cho tiêu dùng và đầu tư bất động sản.

Theo ông Hiếu, kiều bào ở các nước mong muốn đóng góp cho đất nước ngày càng tăng. Do đó, cần có chính sách hút kiều hối vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trịnh Hoài Nam kiến nghị nới rộng chính sách thu hút kiều hối. Theo đó, Nhà nước có thể cho phép người Việt đang ở nước ngoài mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hoặc VND và được chuyển gốc và lãi về nước sở tại.

"Mặt khác, Nhà nước cần mở thêm kênh chuyển USD từ một tổ chức ở nước ngoài đến người ở Việt Nam. Cụ thể, một công ty Mỹ có thể chuyển USD về cho các cá nhân ở Việt Nam đang làm việc cho công ty đó. Số lượng ngoại tệ này không nhỏ vì số người ở Việt Nam nhận lương từ nước ngoài khá lớn và sẽ tăng thêm trong thời gian tới", ông Nam đề xuất.

Huyền Anh

Lượt xem: 5
Tác giả: Nhiều chính sách "hút" kiều hối
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết