Các ngành, nghề nào tăng trưởng “đột phá” năm 2025?

Mới đây, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) đã tổ chức Chương trình Kinh tế 2025: CEO Exchange - Chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse, nguyên Phó Chủ tịch HanoiBA đã có những chia sẻ về cơ hội kinh doanh trong năm 2025, những lĩnh vực doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để “lột xác”, tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc.

 

Các ngành liên quan xuất khẩu, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch... sẽ tăng trưởng tốt trong năm tới.

Các ngành liên quan xuất khẩu, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch... sẽ tăng trưởng tốt trong năm tới.

Tận dụng cơ hội, lợi nhuận tăng trưởng theo cấp số nhân

Ông Phú cho rằng, 2025 là một năm khó dự báo, không có nhiều tín hiệu rõ ràng như những năm trước đây. Bởi, nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn “bắt đáy”, đang bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng, nhưng không có sự “bứt tốc”, do đó, rất khó để nhà đầu tư, doanh nghiệp xác định được lĩnh vực nào sễ tăng trưởng tốt nhất trong năm tới.

Theo dự cảm của ông Phú, các ngành liên quan đến sản xuất, xuất khẩu và các ngành nghề liên quan vẫn tăng trưởng tốt. Tương tự, kinh doanh trên nền tảng số, gồm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, dịch vụ vui chơi, giải trí, trò chơi... sẽ tiếp tục theo xu hướng đi lên. Ngược lại, lĩnh vực kinh doanh truyền thống như mở cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống… sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

“Về cơ bản, nền kinh tế bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt, những lĩnh vực liên quan đến sản xuất, xuất khẩu, nội dung số, games và những ngành nghề phục vụ cho các lĩnh vực đó sẽ tăng tốt”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phú cũng lạc quan về những lĩnh vực gặp khó trong thời kỳ đại dịch, cho rằng, đây là thời điểm để các ngành đó hồi phục và khởi động trở lại. Tuy nhiên, đối với du lịch, ngành này tiếp tục phục hồi, nhưng theo hướng tăng trưởng từ từ, không tăng quá nhanh, không thể “bùng nổ” như giai đoạn 2018-2019. Theo lý giải của vị doanh nhân này, ngành Du lịch Việt Nam hiện vẫn đón chủ yếu là khách Trung Quốc (chiếm 45% thị phần), nên chưa có tín hiệu đột phá nào mới.

Nếu muốn tăng trưởng nhanh, theo cấp số nhân thì doanh nghiệp phải biết tận dụng các cơ hội hiện hữu, đơn cử như câu chuyện về bán dẫn. Do lợi thế cạnh tranh bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu đi xuống, đây chính là thời cơ cho những nước như Việt Nam đầu tư và phát triển.

Ông Phú ví dụ thêm về cơ hội tận dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc trước lo ngại về chính sách thuế của Chính phủ mới do ông Trump cầm quyền. Do đó, Việt Nam có thể trở thành “cứ điểm” để các “đại bàng” chọn trong thời gian tới.

“Nếu biết tận dụng cơ hội kinh doanh, hợp tác và đúng thời điểm, doanh số thay vì tăng trưởng một con số như trước đây thì có thể tăng theo cấp số nhân”, ông Phú nói.

Thị trường cổ phiếu sẽ phục hồi đầu tiên trong chu kỳ kinh tế mới

Theo ông Phú, kinh tế vận hành theo chu kỳ. Một vòng quay chu kỳ diễn ra theo trình tự 3 pha: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh, thường kéo dài trong khoảng 10 năm. Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do đó, nền kinh tế phục hồi sẽ phản ánh vào thị trường cổ phiếu đầu tiên, sau đó là bất động sản và hàng hóa, tiêu dùng.

Chương trình CEO Exchange: Chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Chương trình CEO Exchange: Chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán những ngày gần đây, “lình xình” là diễn biến chủ đạo. Theo ông Phú, đây mới chính là cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư tham gia thị trường để chờ thời điểm bứt phá, gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ. Còn thị trường bất động sản đang tăng giá, thực tế đây là “cơn sốt ảo”, đặc biệt là bất động sản của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này khác biệt với các sản chu kì là do tác động của cơ học, không phải sự phục hồi theo quy luật.

“Lưu ý quan trọng là, thị trường cổ phiếu rất nhạy cảm với thị trường tiền tệ, phụ thuộc lượng tiền bơm ra nền kinh tế, lãi suất. Nhà đầu tư bên cạnh nghiên cứu về doanh nghiệp mình đầu tư có thể theo dõi sát sao thị trường tiền tệ để giải ngân”, ông Phú chia sẻ.

Môi trường lãi suất thấp luôn là yếu tố then chốt giúp dòng tiền cá nhân trong nước tiếp tục vào thị trường chứng khoán và hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI, Việt Nam trải qua năm 2024 và chuẩn bị bước sang năm 2025 với môi trường vĩ mô tích cực hơn. Hiện, chu kỳ kinh tế vẫn đang trong giai đoạn ban đầu của phục hồi và chu kỳ chứng khoán thường đi trước và vẫn có dư địa tăng trưởng hơn nữa trong trung hạn.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu của chu kỳ hồi phục, nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn hiện hữu và thị trường chứng khoán sẽ có sự biến động mạnh. Về mặt tích cực, sự biến động trong một thị trường tăng vẫn sẽ thu hút được dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Do vậy, thị trường chứng khoán năm 2025 sẽ có nhiều diễn biến tích cực hơn.

Lượt xem: 0
Tác giả: Minh Lâm