‘Bội thu’ từ hoạt động thương mại điện tử vẫn lo thất thu thuế

Dự kiến năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, cùng với đó số thu thuế từ hoạt động này cũng tăng mạnh, vượt 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cơ quan thuế vẫn thất thu do số tiền nộp thuế từ những "ông lớn" như Google, Amazon... vẫn chưa tương xứng doanh thu, và bỏ sót thuế nhiều trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội...

Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới, dự kiến năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Lĩnh vực này tại Việt Nam đang dần khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.

Anh Mai Đình Đạt, chủ một hộ kinh doanh trên sàn TMĐT cho biết mọi thông tin bán hàng đến nay đã được cơ quan thuế thu thập, xác thực và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế bổ sung nếu kê khai chưa đủ.

“Kinh doanh trên sàn TMĐT ngày càng khốc liệt. Từ đầu năm 2024 tới nay, mọi chi phí kinh doanh đều tăng, từ phí nhập khẩu, phí nộp cho sàn TMĐT. Đặc biệt, người bán hàng trên sàn TMĐT hết thời né thuế bởi cơ quan thuế đưa ra hàng loạt giải pháp truy thu, kết nối, thu thập dữ liệu người bán hàng”, anh Đạt chia sẻ.

-6470-1734580863.jpg

Thu thuế TMĐT 11 tháng năm nay tăng 22% so với bình quân 11 tháng năm ngoái, đạt khoảng 108.000 tỷ đồng.

Ngành thuế cho biết đã tiên phong áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát và quản lý doanh thu thuế, đặc biệt trên các sàn TMĐT xuyên biên giới. Nhờ chiến lược đổi mới này, số thu thuế TMĐT 11 tháng năm nay tăng 22% so với bình quân 11 tháng năm ngoái, đạt khoảng 108.000 tỷ đồng.

Hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử gồm Google, Meta, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... Các nhà cung cấp nước ngoài này đã nộp thuế hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ.

Như vậy, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp thuế khoảng 21.700 tỷ đồng.

Mức thu từ 83.000 tỷ đồng trong năm 2022 đến nay tăng lên hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với những "ông lớn" như Google, Amazon..., số nộp thuế từ chỗ rất nhỏ đến lúc có hàng ngàn tỷ đồng như hiện nay cũng đã là một bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, doanh thu từ những "ông lớn" này ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Do đó, cần có những biện pháp hữu hiệu chống thất thu thuế TMĐT.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: "Cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu Big Data trên nền tảng dữ liệu dân cư, theo Đề án 06 của Chính phủ liên thông với các ngành để xác định chính xác dòng hàng, dòng tiền và địa chỉ kho hàng của từng người kinh doanh với lượng dữ liệu 325.000 mã số thuế, hơn 220.000 gian hàng trên môi trường TMĐT".

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong TMĐT. Mới đây, ngành thuế ra mắt công cụ AI để kiểm soát doanh thu, mua bán của các sàn TMĐT, nhất là sàn xuyên biên giới.

AI có thể phát hiện các trường hợp khai báo giá trị hàng hóa thấp hơn thực tế để trốn thuế nhập khẩu hoặc các trường hợp sử dụng địa chỉ giả để tránh nộp thuế. Việc sử dụng AI trong phân tích rủi ro giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các trường hợp có nguy cơ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chống gian lận thuế.

Đến nay, hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận, xử lý trên 11 tỷ hóa đơn, tính từ năm 2022, khi cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ này, chỉ có AI mới có thể “đọc” được một cách hiệu quả và đưa ra những thông tin hữu ích cho cơ quan thuế. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí quản lý mà còn nâng cao độ chính xác và hiệu quả của quy trình thu thuế.

Thanh Hoa

Lượt xem: 2
Tác giả: Thanh Hoa