Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025: Chủ động trên thị trường nhiều biến động

Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024 đạt kết quả ấn tượng, nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định, cạnh tranh gay gắt. Cho nên, khi bước vào năm 2025 đòi hỏi nhóm ngành chủ lực này cần tạo động lực tăng trưởng mới với nhiều việc phải làm.

Báo cáo mới đây về triển vọng ngành cao su Việt Nam trong năm 2025 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS cho rằng, động lực sẽ đến từ doanh số bán ô tô của Trung Quốc phục hồi. Nhất là ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với doanh số bán hàng khả quan sau khi chính phủ nước này đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường ô tô.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Bên cạnh đó, theo TPS, với một loạt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã thực hiện và những cam kết sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp kích thích trong thời gian tới, sẽ mang đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất.

-4171-1735550709.png

Đối mặt với những thách thức lớn đòi hỏi các DN chế biến nông sản xuất khẩu cần tìm mô hình tăng trưởng mới phù hợp khi bước vào năm 2025.

Nên biết, trong năm 2024 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) cao su lớn nhất của Việt Nam (chiếm thị phần trên 67%) với chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, trong khi tỷ trọng XK cao su chế biến còn rất thấp. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng để tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao giá trị XK ở thị trường chủ lực này thì các các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ XK cao su chế biến.

Theo ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), dự báo, kim ngạch XK toàn ngành cao su (gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) sẽ đạt trên 11 tỷ USD trong năm 2025, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024 (đạt khoảng 10,2 tỷ USD). Nhưng để đạt mục tiêu này cần phải nỗ lực nhiều trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Như lưu ý của ông Hưng, việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành cao su duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chẳng hạn, một trong những thách thức lớn của ngành cao su là Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cao su, phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. 

Đây là vấn đề khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Vì thế, trong năm 2025, các DN cần đầu tư vào quy trình sản xuất và nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU.

Không riêng gì cao su, hoạt động XK các cây công nghiệp chủ lực (như cà phê, hồ tiêu, điều) dù đạt kết quả ấn tượng trong năm 2024, thu về hàng tỷ USD nhưng vẫn cần có động lực tăng trưởng mới khi bước vào năm 2025. Đơn cử như kim ngạch XK cà phê trong năm 2024 lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 5 tỷ USD. Sang năm 2025, cơ hội nâng cao vị thế cho cà phê Việt trên thị trường thế giới vẫn rất lớn từ khả năng giá cà phê XK tăng mạnh cùng với lợi thế về nguồn cung.

Tuy vậy, ngành cà phê Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức và thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và áp lực môi trường tăng cao. Chính vì thế, Ts. Devmali Perera (Đại học RMIT), cho rằng xúc tiến XK là một lĩnh vực trọng tâm quan trọng. Các chính sách nhằm quảng bá cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, bao gồm tham gia các hội chợ thương mại toàn cầu và tận dụng các hiệp định thương mại (FTA), có thể tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho cà phê XK Việt Nam.

Theo Ts. Perera, các DN xuất khẩu phải linh hoạt và chủ động trong chiến lược của mình để phát triển mạnh mẽ trên thị trường cà phê đầy biến động. Khả năng thích ứng của các nhà sản xuất cà phê Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các biện pháp đổi mới, sẽ là “chìa khóa” đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường cà phê toàn cầu.

Tìm mô hình tăng trưởng mới phù hợp

Hơn nữa, như chia sẻ của vị chuyên gia RMIT, các DN cần quan tâm nhiều hơn vào việc XK cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ vốn đang được chú ý bởi các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê cũng rất quan trọng.

Trong khi đó, với XK thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhận định mặc dù kết quả kim ngạch XK đạt được trong năm 2024 là ấn tượng (đạt trên 10 tỷ USD), nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.

Trong năm 2025, XK thủy sản được cho là có cơ hội đạt kim ngạch 11 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu tăng trưởng XK hai con số (10-15%/năm) trong thời gian tới (đến năm 2030 sẽ đạt 14-16 tỷ USD/năm), như băn khoăn của ông Nam, để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà còn cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.

“Nhìn từ góc độ tăng trưởng của ngành rau quả, đặc biệt là trái sầu riêng, cảm giác là XK thủy sản cần có động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh thế giới quá nhiều bất định, thay đổi nhanh trong kỷ nguyên số”, ông Nam bộc bạch.

Riêng về XK rau quả, sau kết quả ấn tượng khi đạt gần 7,1 tỷ USD trong năm 2024 được dự báo có thể sẽ mang về hơn 8 tỷ USD vào năm 2025 từ nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi XK đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ để XK (dự kiến vào năm 2025, trái chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép XK sang thị trường Mỹ).

Tuy vậy, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ rõ thương chiến Mỹ - Trung, xung đột địa chính trị toàn cầu…vẫn là những thách thức lớn. Để ngành hàng này XK bền vững hơn, đòi hỏi cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của DN.

Bên cạnh đó, ông Bình đề xuất cần tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng rau quả chủ lực. 

Nói chung, từ con số XK ấn tượng của nông lâm thủy sản trong năm 2024 (đạt tổng kim ngạch với mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023) như tiếp thêm sức mạnh để nhóm ngành chủ lực này hướng đến mục tiêu đưa kim ngạch lên 70 tỷ USD vào năm 2025. Lẽ đương nhiên, để đạt được mục tiêu là cần tạo thêm những động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

                                                                                 Thế Vinh

Lượt xem: 0
Tác giả: Cạnh tranh ngày càng gay gắt