Tiền đồng mất giá 4,6% năm 2024, sẽ giảm nhiệt trong năm 2025?
Trong năm 2024, tiền đồng (VND) mất giá khoảng 4,8% và Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD trong năm để "kìm" tỷ giá. Bước sang năm 2025, sức mạnh đồng USD vẫn là yếu tố gây áp lực chính đối với tỷ giá, dù vậy vẫn có những yếu tố tích cực khiến tỷ giá USD/VND được dự báo biến động hợp lý khoảng 3%.
Nhìn lại diễn biến của tỷ giá USD/VND trong năm 2024 có thể thấy đây là năm “sóng gió” của tỷ giá, đặc biệt áp lực mất giá tiền đồng tăng cao trong quý II/2024 và quý IV/2024.
Tính đến ngày 31/12/2024, tỷ giá USD trung tâm dừng ở mức 24.335 đồng; giá USD bán ra tại các ngân hàng đạt mức cao kỷ lục: 25.551 đồng; tỷ giá liên ngân hàng cũng lên cao lịch sử ở mức 25.485 đồng; tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch quanh mức 25.850 đồng.
So với cuối năm 2023, đến hết năm 2024, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 2%; tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng 4,6%; tỷ giá liên ngân hàng tăng 5,1%; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 4,4%.
Nhiều chuyên gia dự báo tỷ giá trong năm 2025 biến động trong biên độ 3%. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biến động tỷ giá năm 2024 vẫn nằm trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đồng thời, VND vẫn là đồng tiền mất giá ít hơn so với KRW (Hàn quốc): 12,51%; PHP (Philippines): 4,74%; IDR (Indonesia): 4,85%...
Để hỗ trợ thị trường, trong năm qua, NHNN đã sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO giúp phục vụ mục tiêu "kép" vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm áp lực căng thẳng lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Cũng theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2024, NHNN đã bán 9,4 tỷ USD, tương đương 11,4% dự trữ ngoại hối hiện có. Như vậy, tính đến ngày 30/12, NHNN ước đã bán ra tổng cộng khoảng 9,8 tỷ USD để ổn định tỷ giá.
"Chúng tôi ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023", bà Trần My, chuyên viên phân tích VDSC thông tin.
Đồng thời, khác với các năm trước, đến cuối năm 2024, NHNN vẫn đang phải duy trì kênh phát hành tín phiếu để giữ lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng không giảm quá sâu. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm. Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
Những động thái của NHNN đã góp phần kiềm chế đà tăng tỷ giá. Nhưng ở chiều ngược lại, việc bán USD giao ngay cũng khiến dự trữ ngoại hối đi xuống và là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống tại một số thời điểm trong năm.
Trong năm 2025, giới phân tích cho rằng vẫn còn những áp lực nhất định lên tỷ giá, nổi bật là chỉ số sức mạnh USD (DXY, đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) có thể duy trì ở ngưỡng cao. Cùng với đó, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và theo đó, USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.
Mặc dù vậy, thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Đó là các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.
Cùng với đó, kiều hối tiếp tục tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi. Việt Nam có nhiều chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Từ những yếu tố trên, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá: "Nhiều khả năng DXY sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, VND được dự báo giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025".
Đồng tình, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research cho rằng, trong năm 2025, nếu thuế quan tiếp tục nóng, ông Trump có thể đánh thuế thì tỷ giá sẽ tác động đến nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Dự báo tỷ giá VND năm 2025 biến động trong biên độ 3%.
Trong khi đó, theo dự báo của VDSC, tiền đồng có thể dao động trong biên độ ±5% trong năm 2025 và có khả năng kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD.
Các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, tỷ giá sẽ biến động khó lường trong những tháng đầu năm 2025, chủ yếu do tác động từ các chính sách kinh tế và ngoại giao mới của Mỹ. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm, tỷ giá dự kiến sẽ ổn định hơn khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi, xung đột địa chính trị được giải quyết phần nào, và tác động từ các chính sách của Mỹ giảm đi. Đồng thời, việc Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ góp phần làm dịu áp lực lên tỷ giá.
Theo dự báo của TPS, tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại vào ngày 31/12/2025 sẽ ở mức 26.073 đồng/USD, tăng 2,4% so với đầu năm.
Thanh Hoa