Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 3): Quy định gia hạn cơ cấu nợ ngân hàng và hỗ trợ tín dụng

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành một số thông tư, quyết định gia hạn cơ cấu nợ cho người dân, hỗ trợ tín dụng cho người dân và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

* Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 1): Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

* Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 2): Xác thực sinh trắc học và quy định an toàn bảo mật

Kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng

NHNN ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/004/2023.

Trước đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2024. Tổ chức tín dụng (TCTD) phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12/2024.

Vì vậy, đến ngày 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Theo đó, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết ngày 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở này, Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN: Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Sửa đổi khoản 8 Điều 4: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản

Thông tư 03/2024/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 16/05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2023 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024, sửa đổi, bổ sung Điều 23 về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường.

Theo đó, điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường là được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại NHNN.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 26 về việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Theo đó, căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được NHNN chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

VAMC chỉ được mua khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc NHNN về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau đây:

- Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện nêu trên.

- Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó. Công ty Quản lý tài sản phải định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.

- Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu.

- Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ;

- Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. VAMC được thỏa thuận với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.

Lượt xem: 4