Trump ký sắc lệnh áp thuế với Mexico, Canada và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức triển khai kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Trong ngày 01/02 (giờ Mỹ), ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế với mức 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc chịu mức thuế 10%. Riêng với tài nguyên năng lượng từ Canada, mức thuế được áp dụng là 10%.

Quy mô của động thái này là cực kỳ lớn khi tổng kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ với ba quốc gia này lên tới 1,600 tỷ USD. Ông Trump đang sử dụng thuế quan như một quân bài mặc cả trong đàm phán và cũng là công cụ gây áp lực để thúc đẩy những thay đổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là các vấn đề về nhập cư và buôn bán ma túy.

Đáng chú ý, sắc lệnh không nêu rõ tiêu chí về thời điểm dỡ bỏ thuế quan. Thay vào đó, nó bao gồm điều khoản trả đũa nếu bất kỳ quốc gia nào có hành động đáp trả dưới bất kỳ hình thức nào, là dấu hiệu cho thấy khả năng tăng thuế quan trong tương lai. Các mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực ngày 04/02.

"Đây là quyết định thuần túy kinh tế", ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục trong ngày 31/01. Ông nhấn mạnh về thâm hụt thương mại của Mỹ với ba quốc gia và đề cập đến vấn đề fentanyl, cáo buộc cả ba nước đều liên quan đến việc lan truyền loại thuốc phiện nguy hiểm này tại Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đang bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát tái bùng phát, trong bối cảnh áp lực giá cả vừa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại trong ngày 31/01, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed theo dõi sát sao - đã tăng tốc lên 2.6% trong tháng 12, dù các chi tiết trong báo cáo có vẻ tích cực hơn. Các quan chức Fed cho biết họ đang theo dõi sát sao tác động từ các chính sách tài khóa mới.

Chưa hết, ông Trump còn tuyên bố sẽ mở rộng danh sách áp thuế sang nhiều mặt hàng khác như chip vi xử lý, dầu khí, thép, nhôm, đồng và dược phẩm. Ông cũng khẳng định sẽ "chắc chắn" áp thuế lên Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà kinh tế nói chung phản đối việc áp thuế quan, lập luận rằng điều này sẽ đẩy giá cả lên cao hơn cho người tiêu dùng trong nước. Nhưng Trump từ lâu đã xem thuế quan như một công cụ để đàm phán những thỏa thuận tốt hơn với các đối tác thương mại, bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và tăng nguồn thu cho ngân sách.

- 06:19 02/02/2025

Lượt xem: 2
Tác giả: Vũ Hạo (Theo CNBC)