Thuế thu nhập cá nhân: Giải pháp nào cho sự công bằng và bền vững?

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, đóng vai trò điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng thay đổi, chính sách thuế TNCN tại Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số bất cập, cần được xem xét và điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.

Mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với mức sống thực tế

Quy định hiện hành về mức giảm trừ gia cảnh tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 (11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4.4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc) được điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, dựa trên mức lương tối thiểu và chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát và chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, khiến mức giảm trừ này không còn phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia tài chính, nhận định: "Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phản ánh đúng thực tế chi tiêu của người dân, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi chi phí sinh hoạt đã tăng trung bình từ 10-15% mỗi năm". Với mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, nhiều cá nhân vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống cơ bản, nhưng lại bị áp thuế ở các mức cao.

Thuế suất lũy tiến chưa phản ánh công bằng

Biểu thuế lũy tiến hiện nay được quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có 7 bậc, với mức cao nhất lên đến 35% áp dụng cho thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng. Mặc dù mục tiêu của thuế lũy tiến là điều tiết thu nhập, nhưng khoảng cách giữa các bậc thuế chưa hợp lý. Điển hình thu nhập từ 10 triệu đến 18 triệu đồng đã bị áp thuế 15%, trong khi mức thu nhập này vẫn thuộc nhóm trung bình khá, không thực sự dư dả.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: "Biểu thuế hiện tại không chỉ gây áp lực cho người lao động trung bình khá mà còn làm giảm động lực lao động và tích lũy, đặc biệt là ở các ngành có yêu cầu trình độ cao"

Ngoài ra, việc áp dụng mức thuế cao đối với các cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng cũng gây tranh cãi, khi nhiều chuyên gia cho rằng mức này chưa đủ cao để được xem là "thu nhập giàu" trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.

Chính sách chưa bao quát đủ đối tượng

Chính sách thuế TNCN hiện nay chưa bao phủ được đầy đủ các đối tượng có khả năng chịu thuế. Một số nguồn thu nhập như giao dịch trực tuyến, kinh doanh qua nền tảng số (e-commerce) hoặc các khoản thu nhập từ hoạt động freelancer vẫn khó kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng thất thu thuế từ các nguồn thu nhập mới, trong khi người lao động chính thức lại phải gánh chịu thuế nặng nề hơn.

Quy trình khai và nộp thuế phức tạp

Quy trình khai thuế, quyết toán thuế hiện tại vẫn còn khá phức tạp, đòi hỏi người nộp thuế phải có kiến thức cơ bản về pháp luật thuế hoặc cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên viên trong lĩnh vực thuế. Điều này tạo ra rào cản cho nhiều cá nhân, đặc biệt là những người làm việc tự do hoặc có nhiều nguồn thu nhập khác nhau.

Một số giải pháp đề xuất

Để giải quyết các bất cập trên, cần có những thay đổi cụ thể trong chính sách thuế TNCN như sau:

Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh linh hoạt, gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với quy định tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, mức giảm trừ có thể tăng lên 15 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc, nhằm phản ánh đúng chi phí sinh hoạt hiện tại.

Luật sư Trần Văn Sĩ, Giám đốc Công ty Luật Anh Sĩ – Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho rằng: "Cần định kỳ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, dựa trên sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng và thu nhập bình quân đầu người. Điều này vừa bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, vừa đảm bảo tính minh bạch và linh hoạt trong chính sách".

Thứ hai, cải cách biểu thuế lũy tiến. Biểu thuế lũy tiến cần được thiết kế lại với số bậc ít hơn, khoảng cách giữa các bậc rộng hơn và mức thuế suất cao nhất chỉ nên áp dụng cho thu nhập rất cao, chẳng hạn trên 200 triệu đồng/tháng. Điều này sẽ giúp giảm áp lực thuế đối với nhóm thu nhập trung bình khá, đồng thời tăng tính công bằng trong điều tiết thu nhập.

Thứ ba, cần xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả đối với các nguồn thu nhập mới như kinh doanh qua mạng, làm việc tự do, đầu tư tài sản kỹ thuật số. Điều này có thể thực hiện thông qua việc bổ sung các quy định pháp lý chi tiết trong Luật Quản lý thuế 2019 đặc biệt là các quy định liên quan đến giao dịch điện tử.

Thứ tư, đơn giản hóa quy trình kê khai và nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo và quyết toán thuế là giải pháp cần thiết. Các cổng thông tin thuế điện tử cần được cải thiện để thân thiện hơn với người dùng, tích hợp chức năng tự động tính toán thuế, hỗ trợ người nộp thuế tự khai báo dễ dàng. Việc này phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa quản lý thuế tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Cũng theo luật sư Trần Văn Sĩ: "Quy trình kê khai thuế hiện nay vẫn khá phức tạp, đặc biệt đối với những cá nhân có nhiều nguồn thu nhập. Việc cải tiến hệ thống khai thuế điện tử là cần thiết để nâng cao tính tiện dụng, hạn chế sai sót và giúp tiết kiệm thời gian cho người nộp thuế."

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến người dân để họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc hướng dẫn trực tuyến về quy trình khai báo thuế cũng là giải pháp hữu hiệu.

Chính sách thuế TNCN là một công cụ quan trọng trong việc điều tiết thu nhập và thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả, cần có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng và giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế. Việc cải cách không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, Chính phủ đã đề nghị đưa vào Luật Thuế TNCN (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 05/2026), với mong muốn điều chỉnh những điểm bất cập để phù hợp với tình hình đời sống của người dân.

Lượt xem: 2
Tác giả: ThS. LS. Huỳnh Thị Mỹ Hằng (Công ty Luật Anh Sĩ)