Củng cố mục tiêu phát triển đô thị xanh, thành phố của sông hồ

Trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội vẫn là đô thị của cây xanh, mặt nước. Đây là lợi thế rất lớn của Hà Nội trong việc hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Đô thị của cây xanh, TP của sông hồ

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh ,thành phía Bắc. Nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ... Trong đó, nguồn gây ô nhiễm không khí do bụi đường và phương tiện giao thông đường bộ, chiếm khoảng 58 - 74%, tùy từng thời điểm.

Để giảm thiểu ô nhiễm, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm không khí, như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí... Đây là những giải pháp rốt ráo của Hà Nội để giảm tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, như loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... TP cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên, nhằm giảm ô nhiễm không khí. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chương trình phát triển theo hướng kinh tế xanh, đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải cacbon và nâng cao chất lượng sống, góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải bằng “0” vào năm 2050...

Củng cố mục tiêu phát triển đô thị xanh, thành phố của sông hồ

TP Hà Nội phát động phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, với mục tiêu mỗi công dân là một phần của sự thay đổi

Đặc biệt, TP đã phát động phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, với mục tiêu mỗi công dân là một phần của sự thay đổi, cùng chung tay giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của Hà Nội hôm nay và mai sau. TP kêu gọi mỗi gia đình, khu dân cư cần chủ động thu gom, phân loại và giảm rác thải; sử dụng tiết kiệm nước, giảm phát thải khí độc hại và tích cực bảo vệ không gian xanh...

Theo các chuyên gia, Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng, đặc trưng địa lý có hệ thống sông ngòi, hồ đầm lớn nhỏ, dày đặc, nên gọi là “thành phố sông hồ”. Chính với đặc thù “thành phố sông hồ”, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Luật Thủ đô (sửa đổi)... đã thể hiện rõ những lợi thế vốn có từ địa lý, văn hóa... tạo lá phổi xanh, không gian xanh, bảo đảm cho cuộc sống xanh cho Hà Nội.

Cùng với đó, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng nêu rõ: “Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch”.

Đây chính là những khẳng định trong việc phát triển Thủ đô Hà Nội là đô thị của cây xanh, mặt nước, TP của sông hồ.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách, phân công rõ trách nhiệm

Trong Luật Thủ đô sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) có những cơ chế đột phá, vượt trội để bảo vệ môi trường. Trong đó, điểm nổi bật của Luật là đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch; có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Củng cố mục tiêu phát triển đô thị xanh, thành phố của sông hồ

Trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội vẫn là đô thị của cây xanh, mặt nước

Tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện Điểm a, Khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô). Theo đó, từ năm 2025, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm Đề án giảm thiểu phát thải giao thông tại quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình.

Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.

Là một trong hai địa phương được TP lựa chọn thí điểm vùng phát thải thấp, ông Nguyễn Cương Quyết - Phó trưởng Phòng TN&MT quận Ba Đình cho biết toàn quận Ba Đình đã sẵn sàng và đưa nội dung này vào chương trình công tác năm. Quận sẽ lựa chọn các phố đi bộ Đảo ngọc Ngũ Xã, hồ Ngọc Khánh, Phạm Huy Thông để thí điểm và chú trọng liên kết vùng trong thực hiện thí điểm...

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

Để Luật đi vào đời sống thực chất, hiệu quả, phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cùng các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết: Luật Thủ đô (sửa đổi) với các điều, khoản quy định cụ thể về vấn đề môi trường sẽ là khung pháp lý để chính quyền và Nhân dân cùng thực hiện. Để Luật đi vào đời sống, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động, như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp.

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho Hà Nội là tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải, không khí, nguồn nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần sớm làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch để tạo cảnh quan môi trường và phát triển du lịch ven dòng sông.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương cụ thể hóa chỉ đạo tinh thần trên, chỉ đạo UBND TP, cũng như toàn hệ thống chính trị tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn hướng tới TP “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của Nhân dân Thủ đô. Đây là yêu cầu mang tính lịch sử, đặt nền móng vững chắc cho Hà Nội trở thành Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, nơi đáng sống và tự hào...

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 2