Sau Tết, giá lợn hơi đồng loạt tăng mạnh tại nhiều địa phương
Sau Tết, giá lợn hơi tăng mạnh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm thịt trong năm 2025 tiếp tục phục hồi.
Cụ thể, tại miền Bắc giá lợn hơi ngày 5/2 tiếp tục nhích nhẹ so với hôm qua. Tại Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam tăng thêm 1.000 đồng, giao dịch lên thành 69.000 đồng/kg.
Cùng mức tăng trên, thương lái ở Lào Cai, Nam Định và Ninh Bình cùng thu mua ở giá 68.000 đồng/kg. Giá heo tại các địa phương còn lại không có thay đổi so với hôm qua.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đang tăng tốt so với hôm qua. Cụ thể, giá heo ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng tăng 2.000 đồng, thu mua lên thành 68.000 đồng/kg.
Cùng mức tăng này, giá lợn hơi tại Lâm Đồng chạm lên giá 70.000 đồng/kg - ngang bằng với Bình Thuận sau khi tăng 1.000 đồng, các địa phương khác đồng loạt tăng 1.000 đồng.
Sau Tết, giá lợn hơi giữ ở mức cao tại nhiều địa phương trên cả nước. |
Tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi tăng cao nhất cả nước, đạt 72.000 đồng/kg. Ngày 5/2, thị trường heo hơi tại khu vực này tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng so với hôm qua. Trong đó, giá heo tại Đồng Nai và Hậu Giang cùng tăng 2.000 đồng, lần lượt giao dịch 72.000 và 70.000 đồng/kg.
Ngoại trừ Bình Dương và Cà Mau đi ngang, các địa phương còn lại đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng.
Theo nhận định, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, giá lợn hơi tiếp tục giữ ở mức cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, cho rằng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt trong năm 2025 tiếp tục phục hồi, đặc biệt là tiêu thụ ngoài gia đình. Đàn lợn nái tiếp tục tăng tại miền Bắc và có thể tăng tại miền Nam trong nửa đầu năm 2025 khi có sự cải thiện về hiệu suất sinh sản con nái.
Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát giết mổ vẫn là những thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong năm 2025. Ngoài ra, thủ tục hành chính và các quy định trong quản lý vật tư chăn nuôi, thú y còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí sản xuất và lỡ cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.
Phân tích của các chuyên gia tại công ty chứng khoán TPS, cho thấy nguồn cung lợn của Việt Nam được dự báo là khá ổn định, nên khả năng sẽ không xảy ra hiện tượng tăng nhập khẩu đột biến.
Mô hình chăn nuôi trang trại đang định hình lại ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp ngành trở nên ngày càng bền vững bằng cách giảm bớt tác động của dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi. Với lợi thế về quy mô, cơ sở hạ tầng và vốn, các doanh nghiệp chăn nuôi dễ dàng áp dụng công nghệ cao vào quá trình chăn nuôi, giúp giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là tiêu tốn ít thức ăn trên mỗi kg tăng trọng.
Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng 3% so với năm trước nhờ dự kiến mở rộng đàn lợn sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt hơn.
Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với năm trước và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm...
Hồng Hương