Lực lượng hải quan đối mặt với nhiều khó khăn trong chống buôn lậu
Năm 2024, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ 16.390 vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, hoàn thành và vượt chỉ tiêu được Bộ Tài chính, Ngành giao, trong đó khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lực lượng kiểm soát hải quan vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Vũ Quang Toàn, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế, chỉ có thẩm quyền điều tra với tội "buôn lậu", tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và tội "sản xuất, buôn bán hàng cấm".
Vì vậy, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng hoá thuộc danh mục Cites... Khi phát hiện, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu, thông tin, văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã từng bước được xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng chưa được đồng bộ và hệ thống hóa. Điều này dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả việc kiểm tra, đối chiếu trong quá trình phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu.
Cơ quan hải quan hiện nay vẫn phải lưu giữ, bảo quản vật chứng của các vụ án hình sự đã chuyển cơ quan điều tra làm phát sinh chi phí thuê kho bãi. Đồng thời, còn có khó khăn trong việc thực hiện xử lý vụ việc theo quy định về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, gây áp lực rất lớn về việc thực hiện các quy định thời hạn giải quyết vụ việc theo trình tự giải quyết nguồn tin tội phạm...
Phát huy vai trò "chủ công"
Dự báo, tình hình kinh tế, an ninh, chính trị thế giới thời gian tới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, có thể tái diễn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Do đó, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hoá không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt là trên các tuyến biên giới giáp Trung Quốc và các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong bối cảnh đó, Cục trưởng Vũ Quang Toàn cho biết, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ phát huy hơn nữa vai trò là đơn vị chủ công trên mặt trận phòng, chống buôn lậu của ngành Hải quan, đồng thời là cánh tay nối dài của Cơ quan điều tra các cấp; đầu mối chủ trì đề xuất, tổ chức triển khai công tác trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo hải quan với hải quan và cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia.
Theo Cục trưởng Vũ Quang Toàn, trong năm 2025, Cục sẽ chú trọng khai thác, quản lý sử dụng hiệu quả trang thiết bị kiểm tra, giám sát, kiểm soát chuyên dùng đảm bảo tận dụng tối đa thế mạnh của khoa học công nghệ hiện đại, sức mạnh số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, đơn vị tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh thành công các chuyên án ma tuý lớn; nhận diện, phát hiện, phổ biến cảnh báo các phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp của tội phạm trên các tuyến, địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong việc kiểm soát tình hình tội phạm ma túy, không để tội phạm ma túy cấu kết, móc nối hoạt động; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc.
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng tiếp tục duy trì, phát huy tối đa hiệu quả kênh hợp tác song phương, đa phương với hải quan các nước về chia sẻ thông tin tình báo phục vụ công tác chống buôn lậu. Đặc biệt, triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 7 là Chiến dịch chung về kiểm soát tội phạm ma tuý, động thực vật hoang dã và tội phạm xuyên quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo đúng tinh thần tuyên bố chung của lãnh đạo hai Quốc gia Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với các nội dung trên, Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá mua bán qua các ứng dụng trực tuyến, hàng hoá gửi qua chuyển phát nhanh thông qua việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử từ nước ngoài chuyển về. Đấu tranh với các hành vi: làm giả giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép hàng hóa thuộc mặt hàng xuất nhập khẩu có điều kiện; lợi dụng loại hình quá cảnh, thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong hải quan để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Ngoài ra, Cục còn tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hoá thuộc các tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu gia công, sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất trọng tâm vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc hoạt động gia công có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu...